Văn hóa - Văn nghệ

Giám đốc hay Ban giám đốc?

THÁI MỸ 30/06/2024 09:12

Sáng hôm ấy, anh bạn cùng cơ quan cầm tờ báo đọc một bản tin: “Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, ban giám đốc công ty đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng”. Nghe xong câu này, tôi cứ ngờ ngợ về lối hành văn của cụm từ “ban giám đốc” và từ “cho”.

Trước hết nói về cụm từ “ban giám đốc”. Cụm từ này quá quen thuộc với mọi người, được phản ảnh rất nhiều trên các mặt báo, văn bản hành chính, các diễn đàn.

Hầu hết người nói, người viết đều có chung suy nghĩ là một tập thể lãnh đạo đơn vị bao gồm giám đốc và các phó giám đốc hợp thành… ban giám đốc?

Đây là một cách hiểu chưa chuẩn về chế độ thủ trưởng, phó thủ trưởng được quy định rõ ràng trong thực hiện công việc ở nhiều lĩnh vực công, tư xã hội.

Cụm từ “ban giám đốc” ở đây phải được hiểu là một tổ chức, một tập thể giám đốc - tức là có nhiều người làm giám đốc cùng một đơn vị mới tạo thành “ban”, song thực tế chỉ có một người giữ chức giám đốc thì làm gì có “ban giám đốc” được. Nếu dùng cụm từ “ban lãnh đạo” sẽ đúng nghĩa hơn, bởi từ giám đốc đến phó giám đốc đều có chức năng lãnh đạo.

Còn riêng từ “cho” của câu trên được ghép một cách bất hợp lý đã làm đảo lộn hoàn toàn ý nghĩa nội dung cần được phơi bày trước mắt người đọc.

Từ “cho” là một động từ khá phổ biến trong từ điển tiếng Việt. Ai cũng hiểu từ “cho” có ý nghĩa là chuyển những thứ thuộc quyền của tập thể, cá nhân này sang quyền của tập thể, cá nhân khác mà không hề lấy lại bất cứ thứ gì, ví như cho tiền, cho ăn, cho ở nhờ...
Một công ty làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước mà lại dùng từ “cho” xem ra chưa ổn. Bởi như đề cập ở trên, “cho” là chuyển cái của mình sang người khác mà. Thiết nghĩ, chúng ta nên dùng từ gây thiệt hại “đối với” hoặc “của” Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hai từ “đối với” biểu thị người, sự vật, sự việc sắp nêu ra là đối tượng có quan hệ trực tiếp hoặc phạm vi điều được nói đến. Từ “của” có nghĩa là chủ thể có quyền sở hữu với cái thuộc về và chịu sự chi phối theo chủ thể đó.

Rồi đoạn cuối của bản tin ấy còn ghi: “Sự tồn tại của ban giám đốc công ty đã diễn ra nhiều năm không được cấp có thẩm quyền kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời…”.

Ý của hai từ “tồn tại” ở đây chính là khuyết điểm, là thói xấu xa, tệ hại của những người lãnh đạo công ty đã làm thiệt hại khá lớn tài sản Nhà nước nhưng lại không chuẩn về cách dùng từ.

Tồn tại là danh từ triết học dùng để chỉ tất cả những gì đang có, đang hiện hữu mà chúng ta có thể thấy được hoặc không thấy được bằng giác quan, nó đã xuất hiện ngoài ý thức chủ quan của con người. Con người có muốn hoặc ngược lại thì nó vẫn cứ tồn tại. Còn theo khái niệm từ điển tiếng Việt thì khuyết điểm là những hành vi không nên, không phải trong cách hành động và cư xử, là những hạn chế, sai phạm, thiếu sót trong tư cách, suy nghĩ…

Sinh thời, Giáo sư Hoàng Phê, nguyên Giám đốc Trung tâm từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, một chuyên gia hàng đầu về chính tả Việt Nam nhận xét: “Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn, người Việt còn thì còn nước non, dân tộc”. Vâng! Tâm hồn Việt bao giờ cũng ẩn chìm trong tiếng Việt, đó chính là cái nghĩa rất riêng về ngôn ngữ Việt của chúng ta.

THÁI MỸ