Truyện ngắn

Cõi vắng

HỒ LOAN 30/06/2024 10:30

Tôi tháo mớ dây quấn quanh chân con bò cái, những vết hằn khiến đám lông nâu vàng rạp vào nhau nhàu nát. Chiếc bụng kềnh càng vẫn không che hết những giẻ sườn nhô lên qua làn da mỏng của giống bò cỏ. Coi bộ cũng sắp đẻ rồi đây, nhanh thiệt.

van-tin.png
Minh họa: VĂN TIN

Còn nhớ những ngày đầu chân ướt chân ráo trở về, tay dắt bọn trẻ, tôi loay hoay với mớ hành lý ngổn ngang cùng khuôn mặt u buồn và đôi mắt mọng đỏ. Mẹ kéo hai đứa nhỏ vào lòng rồi hôn lên trán chúng mà không nựng rối rít như những lần về trước. Bà lẳng lặng cầm nồi đi đong gạo. Ăn no rồi tính. Mẹ luôn đối diện với mọi biến cố cuộc đời bằng một chiếc bụng đầy cơm và một đôi mắt tỉnh táo đến khó tin.

Tiếng lon sữa va vào thùng gạo thứ âm thanh sột soạt quen thuộc ấm áp lạ thường. Cái âm thanh ấy giúp chúng tôi đi qua được bao nhiêu mùa đông rét mướt, qua bao mùa giáp hạt thiếu hụt đủ bề. Chỉ cần tưởng tượng luôn có một phuy đầy lúa là mọi mệt mỏi tan biến, mẹ nói vậy. Tuổi thơ mẹ chìm trong đói khổ, những người thân lần lượt rời đi vì đói. Đói và bệnh.

Con bò cái già đẻ sòn sòn lứa này nối tiếp lứa kia. Những con bê được chăm kỹ bằng cỏ non nhổ ngoài đám lài và mớ lá bắp nên con nào con nấy mau lớn, béo mẩy. Lông chúng nâu đỏ, mịn màng, trái ngược với con mẹ già nua gầy rộc. Cha bảo do sữa con cái tốt.

Mẹ lại nói do chăm sóc mà ra. Cứ cho ăn rơm khô và cỏ cháy thử sữa mẹ nó có cứu nổi không? Tôi thấy ai cũng có lý nên chỉ biết cười. Tôi dắt con bò qua khoảnh đất khác cỏ xanh hơn, cột vào chiếc cọc có sẵn, nó nhìn tôi, cả hai như ngầm thỏa thuận về sự đảm bảo cho nhau.

*
* *

Tiếng cười khúc khích quen thuộc khiến tôi giật mình. Con huơ huơ cánh diều cùng cuộn dây dù cuốn tròn trên tay, miệng gọi mẹ rối rít. Làm sao chúng có thể băng qua đoạn mương rộng? Cau mày định hỏi tội thì một bóng người lù lù xuất hiện. Quân!

Chúng tôi lặng im nhìn nhau mất mấy giây. Thời gian cứ dần thụt lùi về quá khứ, xa tít. Tôi muốn phát vào mông con. Sau không được tự ý ra ruộng biết chưa! Con bé mếu máo, có chú dắt tụi con đi mà!

Mẹ dặn con thế nào, hả! Mẹ nói không được đi với người lạ, nhưng đó là lúc trên phố, mình đang ở quê mà mẹ. Bộ ở quê không có người xấu sao, hả? Cuộc đối thoại âm thầm trong tôi.

Quân cười gượng gạo, anh qua thăm chú thím, thấy bọn nhỏ dễ thương nên rủ ra ruộng chơi… Tôi định nói cha mẹ tôi có ốm đau chi mà thăm, nghĩ lại nên thôi. Giằng mạnh cái dây cột bò, tôi ngoảnh mặt đi hướng khác.

Quân lúng búng. Một thoáng sượng sùng, anh ngồi im nhìn tụi nhỏ chạy nhảy. Con diều bay dắc dứ một hồi rồi mắc trên ngọn bạch đàn khiến tụi nhỏ la ơi ới. Không nhìn tôi, Quân chạy ra với bọn trẻ.

Tiếng reo hò vang lên khi con diều được gỡ xuống, nó chấp chới hòa vào nền trời xanh trong vắt bao la diều; con rồng vàng với cái đầu uy nghi, đuôi dài thõng thượt, nàng tiên xanh có dải áo lụa biếc lấp lánh kim cương, đàn cá đỏ sặc sỡ nối nhau bơi lượn giữa không trung, cánh diều hình trăng khuyết được gắn sáo, âm tu tu vang giữa trời bao la…

Buổi tối, mâm cơm được dọn ngay thềm hiên, thói quen của gia đình tôi từ bao đời không thay đổi dù nhà vẫn sắm bộ bàn ăn bằng gỗ có gắn tấm gương xanh veo. Các con tôi đã tắm táp sạch sẽ, lau tóc bằng khăn, những vụn nước thấm vào vai áo loang lổ. Mẹ xới cơm bằng đôi đũa to, lấy phần giữa nồi cho các cháu, xong ngoáy mạnh tay rồi xoay một vòng, phần cơm cháy vàng được cho gọn vào chén để trước mặt cha.

Cha có thói quen nhâm nhi một ly rượu nhỏ, với mồi nhắm là miếng cá khô nướng than, hay cục thịt xiên nghi ngút khói. Thói quen ấy được lặp lại đều đặn vào mỗi chiều, bất luận mưa nắng, một mình hay có chiến hữu. Từ ngày bọn trẻ nhà tôi về, cha có thêm bạn, mà là bạn “phá mồi”, cha cười sang sảng bảo vậy.

Quân qua, xách theo bịch mồi, mạnh dạn và tự tin. Không như Quân của mười lăm năm trước, sợ mẹ và nhút nhát. Quân ngồi xếp bằng, ly rượu rót gần tràn, đôi đũa để ngay ngắn gác lên miệng chén.

Phần gà nướng được mở toang, Quân xé hai đùi gà để vào chén hai con tôi, nách và một phần cánh cho mẹ và cha, phần ức gà trắng nõn, Quân đặt vào chén tôi. Gắp một ít hành, anh cho vào chén mình rồi xoa hai tay vào nhau xởi lởi, tự nhiên mời cả nhà.

Bọn trẻ nhai ngấu nghiến, cả miếng xôi chiên vàng ruộm có nhân lòng mề ở giữa cũng khiến chúng hào hứng chìa chén nhận liên tục từ người lớn. Tôi ăn khó nhọc, miếng ức gà như muốn trồi ra khỏi miệng. Mẹ đưa mắt nhìn, tôi nuốt vội rồi đứng dậy. Góc vườn, một ụn rác lớn đang chờ tôi.

Tiếng nổ lép bép cùng vài tia lửa nhảy nhót khi bắt gặp một thanh củi tre, tôi nhổ thêm mớ cây dại tấp lên trên, vừa giữ không cho chúng cháy lan rộng, vừa hun muỗi. Quân lặng lẽ ra ngồi bên võng tự khi nào, khói thuốc từ miệng anh phả vào đêm bị đám lửa của tôi át đi. Tôi lủi vào nhà, giành lấy việc rửa chén với mẹ.

Đêm. Tiếng phẩy quạt mo của cha vẫn đều đặn dù nhà có quạt máy. Cha luôn giữ thói quen cũ kỹ. Xe đạp và quạt mo. Nước giếng đào và rượu gạo. Đầu trần, chân đất. Thậm chí mẹ tôi còn giữ cả thói quen nấu cơm củi. Thơm, mẹ nói vậy. Và tôi chưa thấy ai nấu cơm ngon bằng mẹ.

Nhớ lúc xưa, cứ mỗi lần về nhà chỉ muốn lục nồi cơm nguội, ăn với chén mắm cái mẹ tự muối lấy. Mùi mắm thoang thoảng, thêm ít ớt xiêm với tỏi giã nhuyễn, rưới lên chén cơm nguội còn thơm mùi váng gạo. Béo, bùi, ngọt, mặn, cay… đủ cả.

Chẳng ai lại đi thèm cơm nguội với mắm cái như tôi, mẹ nói, mặt không biểu lộ phản đối hay hưởng ứng, nhưng hình như mẹ không vui. Để rồi sau này, cuộc đời tôi trở thành món cơm nguội bị rẻ rúng. Em còn giận anh sao? Tin nhắn của Quân khiến tôi đưng thở.

Tôi có quyền gì mà giận anh chứ. Chẳng phải tự tôi rời làng, tự tôi lấy chồng, rồi sinh con và cuối cùng là mang về vạ vật cha mẹ đây sao. Là tôi tự trả giá cho những đa đoan.

Con người ta, có được mấy lần nuối tiếc. Nếu không có hai đứa nhỏ, có lẽ nuối tiếc lớn nhất của đời tôi là lấy chồng. Khi tôi bước qua ngạch cửa xuất giá, là lúc biết mình ngã vào hư không. Bởi nơi ấy, tôi không tìm được bất cứ chỗ dựa nào. Những ngoảnh mặt khiến gia đình nhỏ ngày càng xa với…

*
* *

Thy xộc vào nhà, bắt tôi ngồi lên chiếc xe phượng hoàng đỏ ối rồi đạp như lao ra sân ga. Tôi không hiểu chuyện gì cho đến khi chết lặng nhìn Quân leo lên chiếc tàu mịt mù khói. Con tàu cũ thếch mốc xì với vài lằn sơn xanh vàng ấy cuốn Quân cùng mối tình đầu của tôi biền biệt.

Tim tôi nghẹn lại, một thứ gì đó kinh khủng hơn cái chết đang chiếm lấy tôi. Tôi khụy xuống, mắt hoa lên. Mùi dầu diesel xông lên ngàn ngạt. Thy xốc nách tôi đứng dậy. Sân ga vắng tanh, vài bóng người nhỏ thó xiêu vẹo, bóng chúng tôi đổ nhào.

Huế giữ rịt lấy Quân của tôi, như giữ một con tin đắt giá. Mọi đường liên lạc đều mất dấu. Mấy tháng sau, tôi lấy chồng. Tôi biết Quân yêu tôi, yêu nhiều nữa là đằng khác. Tôi lấy chồng như một sự trả thù. Tôi muốn Quân phải nuối tiếc tôi, mãi mãi.

Thy ở cùng khu trọ với anh em Quân, một khu trọ sầm uất trên kiệt Nguyễn Huệ, như địa chỉ thư tay cô ấy gửi. Những tháng ngày mộng mơ trước đó, tôi đã hình dung cái ngày tôi ngồi trên chiếc xe dàn ngang, Quân chở tôi dạo quanh phố Huế, qua thôn Vỹ Dạ, về Phú Vang, rồi đi dọc sông Hương. Ngược lên mạn Bắc để tìm thạch xương bồ huyền thoại. Những tháng ngày ấy chúng tôi chỉ thêu dệt giấc mơ.

Quân cũng lấy vợ. Rồi cũng ly tán. Vợ anh giành quyền nuôi con, như tôi. Tôi bật cười một mình, hay lắm, phụ nữ à! Cưới và sinh con. Nuôi con và bất hạnh. Có gì hay ho chứ? Đơn thân thì có gì hay ho đâu. Con bệnh, một mình tất tả. Con đi học, một mình đưa đón. Một mình chống chọi với đêm đen và những trận mưa như xối vào hồn.
Em không. Tôi nhắn trả lời Quân.

Có lẽ tôi nên lắng nghe, chia sẻ và biết đâu làm chiếc cầu nối êm ái giúp anh hóa giải được những khúc mắc cùng vợ. Những đứa trẻ luôn cần một mái ấm. Từng ấy thời gian giúp tôi nhận ra những được mất trong cuộc đời đều trở nên vô nghĩa nếu trái tim tràn ngập hận thù.

Ngày mai, chuyến tàu vào Nam sẽ mang các con tôi về với nội của chúng. Và Quân, anh sẽ ngược hướng tôi đi để về với cô con gái bé nhỏ của mình. Tôi tin, ở một chặng khác trong hành trình cõi người, chúng tôi sẽ lại gặp nhau.

Ngoài đê vắng, cánh diều sáo bay lồng lộng, âm tu tu vang vọng giữa mây trời. Tôi thầm cảm ơn người thả diều đã không thu dây, để đêm nay, ở một cõi xa xôi, tôi nghe lòng mình cất cánh.

HỒ LOAN