Phát triển và quản lý thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) đang tiếp tục bùng nổ với hàng loạt trải nghiệm, dịch vụ. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, chatbot... ứng dụng trong quản lý dữ liệu khách hàng, lên đơn hàng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh thời gian thực hiện giao dịch, góp phần giảm chi phí và tăng mức độ hiệu quả trong hoạt động tiếp thị, thanh toán trực tuyến… Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, lợi thế, phát triển TMĐT trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua cũng gặp những hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ, hoàn thiện.
BẮT NHỊP VÀ KIỂM SOÁT
Thương mại điện tử tại Quảng Nam đang bắt đầu rộn ràng không chỉ ở các chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, các sai phạm cũng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn.
Ngày 20/1/2022, trang Thông tin sản phẩm Quảng Nam tại tên miền địa chỉ https://sanpham.quangnam.gov.v... chính thức khai trương, khởi đầu cho bước phát triển mới của TMĐT Quảng Nam khi nhiều sản phẩm địa phương lần đầu tiên được đưa lên giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài.
Thúc đẩy TMĐT
Với thiết kế rõ ràng, dễ tìm, các nhóm sản phẩm được phân chia theo từng loại hình, chủng loại khác nhau như nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lương thực thực phẩm, nông sản, hàng tiêu dùng; thảo dược, làm đẹp, sức khỏe; vật tư nông nghiệp… Truy cập trang, người xem dễ dàng biết được thông tin nhà cung cấp sản phẩm từ tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại đến quy trình làm ra sản phẩm, kể cả chỉ dẫn địa lý.
Vài năm trở lại đây, cùng quá trình chuyển đổi số, hoạt động TMĐT Quảng Nam dần trở nên sôi động. Có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn của tỉnh liên tục được đưa lên sàn TMĐT như Portmart.vn, Voso.vn…
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – chủ HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) cho biết, nguồn thu từ TMĐT hiện chiếm khoảng 65% tổng cơ cấu doanh thu của HTX. Hầu hết đối tác, khách hàng ở các tỉnh xa trong nước như Tuyên Quang, Hà Nội, Đà Nẵng… đều thực hiện giao dịch qua nền tảng số.
Chính điều này giúp thị trường hàng hóa được mở rộng, doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng, thuận lợi. Không ít chủ thể, doanh nghiệp đã và đang dần chuyển hướng kinh doanh theo hướng đa kênh, từ bán hàng theo cách thức trực tiếp truyền thống sang TMĐT; kết hợp giữa offline và online, hiệu quả mang lại khá tích cực.
Khảo sát từ Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có khoảng 98% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, hơn 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và tận dụng các mạng xã hội cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm và quảng bá sản phẩm mua bán hàng hóa...
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng qua nền tảng số, TMĐT cần tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Cần đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng hàng hóa. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng khi cung cấp hàng hóa không chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
“Trận địa” hàng hóa trên sàn
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, TMĐT là xu thế tất yếu. Đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên TMĐT, ngành quản lý thị trường xác định mạng xã hội, sàn TMĐT là một “trận địa” để kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thời gian gần đây, số vụ vi phạm trong TMĐT không ngừng gia tăng với tính chất và diễn biến phức tạp.
Và đơn vị này đã đấu tranh, xử lý nhiều sai phạm về TMĐT trên địa bàn tỉnh. Ngày 15/1, ngành chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với 3 cơ sở kinh doanh Thảo Chipu (https://www.facebook.com/tin.q...), hộ kinh doanh Mỹ phẩm Cẩm Thuyền (https://www.facebook.com/10008...) và cửa hàng Thu Hồng 2 (https://www.facebook.com/lan.l...) đều có địa chỉ ở TP.Tam Kỳ.
Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam phát hiện 3 cơ sở trên kinh doanh nhiều sản phẩm hàng hóa áo quần, giày dép không rõ nguồn gốc xuất xứ; mỹ phẩm nhập lậu và đã ra quyết định xử phạt 3 cơ sở với tổng số tiền 18,5 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm trị giá hơn 30 triệu đồng.
Ngoài nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng website TMĐT để bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Một trường hợp kinh doanh các mặt hàng thể dục, thể thao của hộ kinh doanh P.N.T (thị trấn Núi Thành) sử dụng website TMĐT có tên miền “https//thethaonuithanh.com” để bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cục Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với ông T.
Cách đây chưa lâu, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra đột xuất, phát hiện hộ kinh doanh N.T.H (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) sử dụng tài khoản Facebook “Thanh Hưng” bán giày dép, hàng may mặc, đồ gia dụng nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hành vi vi phạm nêu trên và tạm giữ hơn 1.100 sản phẩm hàng hóa để tiêu hủy.
Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh nói, với số lượng người mua và bán khổng lồ, nhiều sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng mất kiểm soát về chất lượng, uy tín. Ngành quản lý thị trường nhận nhiều phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên TMĐT gây thiệt hại cho người mua, ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhãn hàng.
Siết chặt hoạt động cấp phép
Đề xuất cơ quan chức năng phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trực tuyến được đặt ra để kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường TMĐT lành mạnh.
Trên thực tế, nhiều tài khoản điện tử có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm; nhiều sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội không cung cấp đầy đủ thông tin nên cần thiết phải tiếp tục sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn bất hợp pháp trong kinh doanh ở phương thức này. Hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, tăng cường quản lý nhà nước sẽ giúp TMĐT phát triển minh bạch, an toàn, không chỉ hạn chế các hành vi gian lận thương mại mà còn giúp chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Ở góc độ doanh nghiệp tham gia TMĐT, hạ tầng công nghệ là điều họ quan tâm. Đơn cử, như trang Thông tin sản phẩm Quảng Nam, hiện chủ yếu mới dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm Quảng Nam, không có chức năng mua, bán nên không thuận lợi như các sàn TMĐT khác đang hoạt động.
Hiện tại, có nhiều lực lượng cùng tham gia công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận TMĐT, từ lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở KH-CN, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa... Thẩm quyền của mỗi cơ quan, mỗi lực lượng khác nhau, trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật lại chồng chéo về quy định cách thức đấu tranh, xử lý sai phạm nên rất khó phối hợp chặt chẽ trong thực thi công vụ. Đại diện Cục Quản lý thị trường cho rằng, để nâng cao công tác đấu tranh, làm sạch môi trường TMĐT, Nhà nước cần chỉnh sửa, bổ sung nhiều quy định hiện hành không phù hợp với thực tiễn.
HẠ TẦNG SỐ TIẾP SỨC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông nhằm tiếp sức thương mại điện tử (TMĐT) là vấn đề cấp thiết trong thời gian tới.
Nắm bắt xu thế
Tại diễn đàn “Kết nối đầu tư, TMĐT trên nền tảng số” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quân - chuyên gia TMĐT thuộc Học viện Eco Academy cho biết, tốc độ phát triển TMĐT của Việt Nam đạt 35%/năm; quy mô đạt 21 tỷ đô la năm 2023, dự báo đạt 35 tỷ đô la năm 2025 và đứng thứ 2 Đông Nam Á.
Cho rằng TMĐT là xu thế tất yếu, ông Quân khuyên các doanh nghiệp Quảng Nam hãy nắm bắt các kỹ năng và thực hiện ngay việc livestream bán hàng, nhất là trên các nền tảng Tiktok, Facebook…
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam nhìn nhận, TMĐT đã tác động và làm thay đổi cách tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh.
Theo ông Văn, tại Quảng Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích cho người dân cả thành thị và nông thôn.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh phát triển được 2.128 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); 1.428.322 thuê bao điện thoại; 931.306 thuê bao internet băng rộng; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 76,8%. Đường truyền cáp quang kéo đến 100% cấp xã, 90% cấp thôn; phủ sóng di động 3G, 4G đến 100% cấp xã, 94,8% cấp thôn; 88,9% nhà văn hóa thôn có wifi. Kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cấp xã.
Ứng dụng TMĐT sớm được Quảng Nam quan tâm và tạo nhiều điều kiện để phát triển bằng các giải pháp cụ thể. Đơn cử, đầu tháng 4 vừa qua, UBND huyện Nam Trà My tổ chức khai trương sàn TMĐT sâm Ngọc Linh và các mặt hàng nông sản địa phương với tên miền sở hữu của nhà nước là phienchosam.quangnam.gov.vn; 2 tên miền thương mại phienchosam.vn và phienchosam.com.vn.
Sàn TMĐT được nhận diện bởi tên miền độc quyền đã được đăng ký và quản lý với UBND huyện Nam Trà My. Khi hoạt động, khách hàng không cần đến vùng sâm hay đắn đo lựa chọn giữa hàng nghìn sản phẩm sâm, dược liệu trên mạng mà chỉ với cú chạm tay trên thiết bị điện tử như máy vi tính hoặc điện thoại thông minh là có thể tìm hiểu đầy đủ các thông tin về các sản phẩm.
Phát triển hạ tầng
Tuy nhiên, nhìn nhận từ chính quyền, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng nền tảng số để kết nối đầu tư, phát triển TMĐT còn một số hạn chế; TMĐT chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực nhất định...
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, khai thác tiềm năng TMĐT, đại diện các doanh nghiệp cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại phát triển.
Đã có nhiều đơn vị đồng hành phát triển các nền tảng hạ tầng phục vụ hoạt động TMĐT. Bà Lê Thị Kim Chung - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh Quảng Nam chia sẻ, sàn TMĐT buudien.vn ra mắt vào năm 2021, đến nay đã kết nối với 117 nhà cung cấp, đưa 244 sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền lên sàn; đã cập nhật, đưa hơn 46 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Trong đó, tại Quảng Nam đã có 40 sản phẩm lên sàn TMĐT buudien.vn.
Tính đến tháng 4/2024, Quảng Nam có hơn 24.300 giao dịch và 5.896 sản phẩm trên sàn TMĐT. Hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng nền tảng số trong hoạt động quản trị nội bộ, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau; 100% doanh nghiệp đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; 100% siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt…
Hiện tại, hệ thống viễn thông internet của Quảng Nam đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATE...), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động...
Để phát triển nhanh hệ thống TMĐT, ngoài đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, cần một hệ thống thể chế thuận lợi và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số.
Đại diện Bộ Công Thương ở diễn đàn “Kết nối đầu tư, TMĐT trên nền tảng số” tổ chức tại Quảng Nam cho biết, bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh. Yêu cầu tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, cũng như có giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi TMĐT đang phát triển nhanh và mạnh.
MANG ĐẶC SẢN LÊN SÀN
Các HTX nông nghiệp, chủ thể OCOP vẫn miệt mài và nỗ lực đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazada… nhằm tăng tiếp cận khách hàng, giúp sản phẩm bán chạy hơn.
Chủ động sản xuất
HTX Nông - thủy sản Trung Hải (thôn Bình Trung, Tam Hải, Núi Thành) là cơ sở tiên phong bán hàng qua sàn điện tử khi đã có hơn 5 năm xây dựng thương hiệu Mực rim cô Kiệu trên đa nền tảng điện tử.
Hiện tại cơ sở duy trì kênh bán hàng qua sàn TMĐT Shopee và đang mở rộng xây thêm kênh TikTok kết hợp với các kênh bán hàng trực tuyến như fanpage, website, facebook, zalo… Cơ sở này đã niêm yết gần 50 mặt hàng trên các sàn TMĐT, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 700 - 800 sản phẩm với doanh số khoảng 60 đến 70 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Lê Na - Giám đốc HTX Nông - thủy sản Trung Hải nhìn nhận, ưu điểm bán hàng trực tuyến đối với cơ sở nhỏ là tiếp cận được lượng khách hàng lớn và đa dạng trong cả nước với chi phí marketing thấp.
Chưa kể, người kinh doanh chủ động thời gian bán và giao hàng, có thể bán hàng 24/7 mà không tốn thêm chi phí nhân công. Đồng thời chủ động lượng hàng sản xuất ra và quản lý hàng tồn đọng. Cơ sở sau khi nhận đơn đặt hàng từ người mua mới tiến hành sản xuất nên lượng hàng dư thừa rất ít và sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn là sản phẩm mới nhất.
“Hiện tại mỗi cơ sở tự xây dựng kênh bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách hàng quy mô còn nhỏ lẻ nên khách hàng khó tiếp cận. Mong muốn các cơ quan hữu quan có chính sách đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Và xây dựng kênh bán hàng các sản phẩm OCOP một cách bài bản, chuyên nghiệp, có lượt tương tác cao để thu hút khách hàng. Đặc biệt hỗ trợ các HTX, chủ thể OCOP, khởi nghiệp các lớp đào tạo kỹ năng livestream bán hàng trực tuyến” – bà Na đề nghị.
Tăng trưởng ấn tượng
Nghiên cứu từ Bộ Công Thương, trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, doanh số các sản phẩm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc từ nông - lâm - ngư nghiệp của Quảng Nam trên sàn TMĐT đạt 12,21 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 234% và sản lượng đạt 33 nghìn sản phẩm, tăng 35% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm nổi bật của Quảng Nam trên sàn TMĐT là 4 loại sản phẩm bánh dừa nướng, nấm lim, bánh tráng, bánh đậu xanh. Cụ thể, các sản phẩm bánh dừa nướng có doanh số đạt 2,83 tỷ đồng, bán đạt 117.741 sản phẩm, bánh tráng doanh số đạt 350 triệu đồng với 14.027 sản phẩm, bánh đậu xanh đạt 277 triệu đồng với 8.688 sản phẩm và nấm lim doanh số đạt 215 triệu đồng.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hiện có khoảng 70% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên sàn TMĐT tập trung vào 4 sàn gồm Postmart, Voso, Sendo và trang sanpham.quangnam.gov.vn.
Tại sàn TMĐT Posmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và VOSO của Tập đoàn viễn thông Viettel, có khoảng 100 sản phẩm nông thôn, OCOP Quảng Nam được giới thiệu. Trang sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ sanpham.quangnam.gov.vn cập nhật 585 sản phẩm của 122 cơ sở, doanh nghiệp. Sở này đã tổ chức đào tạo kỹ năng số cho hơn 168 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn được hướng dẫn khai thác các nền tảng TMĐT.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất và hộ kinh doanh đã đưa 175 sản phẩm OCOP và 123 sản phẩm vùng miền lên sàn TMĐT. Đồng thời, cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok... để bán sản phẩm khá sôi nổi.
“Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của cơ sở sản xuất, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn TMĐT và mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm” – ông Hường Văn Minh đánh giá.
Sức hút của các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền hiện nay khá lớn trên các sàn TMĐT. Ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy tiềm năng và tiện ích khi áp dụng các giải pháp TMĐT.
DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP KỲ VỌNG VÀO THỊ TRƯỜNG ONLINE
Hầu hết chủ thể khởi nghiệp đều khai thác sâu các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Đối với một số mặt hàng phù hợp, họ chủ động đưa sản phẩm lên mạng xã hội từ rất sớm. Thậm chí, có những doanh nghiệp khởi nghiệp chạy theo xu hướng của thị trường online, liên tục ra mắt các sản phẩm theo “trend” để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Khởi nghiệp nhờ mạng xã hội
Từ việc ứng dụng các bài thuốc nam để chữa bệnh cảm cho con, cảm thấy hiệu quả, chị Ngô Thị Lộc (SN 1992, ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) lên mạng xã hội chia sẻ cách làm cho nhiều mẹ bỉm sữa khác. Từ đây, chị đã tạo lập dự án khởi nghiệp với siro húng chanh tỏi đen.
Đây cũng là dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam năm 2023 và được giải Khuyến khích. Chị Ngô Thị Lộc thành lập Hợp tác xã (HTX) Lộc Nhiên Phát và dấn thân khởi nghiệp với nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe tương tự như siro húng chanh tỏi đen.
Theo chị Lộc, mô hình khởi nghiệp của chị áp dụng quy mô tinh gọn. Đặc biệt trong quy trình bán hàng, với điều kiện đầu tư hạn chế, chị không thể tổ chức một bộ phận nhân viên kinh doanh đầy đủ vị trí để xây dựng hệ thống đại lý như cách truyền thống, mà tận dụng mạng xã hội và các kênh TMĐT để phát triển.
“Quy trình marketing, bán hàng đều được thực hiện thông qua mạng internet. Thay vì đi chào hàng các đại lý, cơ sở nhỏ lẻ thì mình quay clip để quảng bá trên mạng xã hội sau đó đăng tải thông tin sản phẩm, tư vấn khách hàng, chốt đơn và chuyển thông tin cho đơn vị vận chuyển đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng,... Từ đầu tới cuối, dù là sản phẩm sản xuất ở vùng nông thôn nhưng nhờ TMĐT mà mình phát triển thị trường rộng khắp” - chị Lộc nói.
Hiện nay, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn TMĐT Shoppe, Lazda, Tiki,... mỗi tháng, HTX Lộc Nhiên Phát bán đi hơn 1.000 đơn hàng, mang về doanh thu trung bình khoảng 500 triệu đồng. Chị Lộc chia sẻ thêm: “Mình phải xem kênh TMĐT như một đại lý bán hàng, thường xuyên tương tác, chăm sóc nội dung, cải tiến hình thức,... thì mới có khách hàng trung thành và phát sinh đơn liên tục”.
Theo thống kê của các hội/câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện, thị, thành phố, đến nay trên toàn tỉnh có khoảng hơn 500 dự án, mô hình khởi nghiệp. Trong đó, có gần 200 dự án khởi nghiệp được tỉnh công nhận. Ngoài ra, tỉnh cũng có hơn 30 dự án khởi nghiệp đoạt các giải cao ở những cuộc thi cấp vùng, cấp trung ương.
Cần tạo kênh thương mại lớn
Là một chủ thể khởi nghiệp tiếp cận với TMĐT từ sớm, khoảng năm 2018, anh Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm, đã đưa sản phẩm lên kênh trang Tiki và liên tục có đơn hàng từ đây. Từ nghiên cứu các thuật toán, liên hệ với đội ngũ hỗ trợ của các sàn TMĐT và đồng hành trong các chương trình khuyến mãi, sản phẩm của Bảo Tâm đã thu hút sự quan tâm của khách hàng.
“Càng nghiên cứu sâu mới thấy, cho dù kinh doanh ở kênh thương mại nào thì một số yếu tố về mẫu mã, giá cả của sản phẩm vẫn được khách hàng quan tâm. Nếu ở siêu thị, khách hàng sẽ đi từng hàng để xem sản phẩm nổi bật thì trên sàn online cũng vậy, họ bị thu hút bởi những sản phẩm có hình ảnh ấn tượng. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề này, họ không biết chụp sản phẩm của mình như thế nào cho đẹp, dù bao bì cũng tương đối ổn” - anh Huệ nói.
Hiện nay, nhiều chủ thể khởi nghiệp trong quá trình làm video giới thiệu sản phẩm trên các kênh TMĐT đã thu hút khá nhiều lượt theo dõi. Một số người thích lối sống xanh của vùng núi rừng đã đăng ký kênh Mỵ Nương của chị Phạm Thị Mỵ Nương - Giám đốc Hợp tác xã QNA FARM (xã Tiên Ngọc, Tiên Phước). Như nắm được thị hiếu khách hàng, chị tinh tế lồng ghép các sản phẩm của núi rừng Tiên Phước vào quảng cáo như snack chuối xanh, trà bí đao núi, mứt gừng viên vị chanh muối...
Hay như chị Võ Thị Minh Nga - sáng lập thương hiệu Gạo lứt rẫy Bh.nong (Hiệp Đức) khi tiếp cận với tệp khách hàng là giới văn phòng, những người có chế độ ăn thực dưỡng, từ gạo lứt vùng cao Quảng Nam, chị Nga đã sản xuất nhiều loại sản phẩm liên quan đáp ứng nhóm khách hàng online này như bánh gạo lứt mầm yến mạch, trà gạo lứt, bột gạo lứt mè đen, thanh hạt gạo lứt,...
“TMĐT là kênh kinh doanh chính của rất nhiều chủ thể khởi nghiệp. Ở các tỉnh miền Bắc, địa phương lập kênh lớn như “Chợ phiên đặc sản”, “Chợ phiên OCOP”, họ thuê người nổi tiếng về livestream và đưa sản phẩm của các chủ thể vào giới thiệu thu hút hàng ngàn lượt xem. Nếu Quảng Nam làm được như vậy, tỉnh hỗ trợ về marketing, pháp lý để các chủ thể khởi nghiệp tham gia sẽ tạo được sức hút lớn đối với khách hàng. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn được tham gia những khóa đào tạo về TMĐT chuyên sâu, thực chiến đến từ những người có kinh nghiệm thực sự, để có thêm kiến thức trong lĩnh vực này” - chị Nga nói.
Nội dung: VĨNH LỘC - QUANG VIỆT - VINH ANH - HOÀNG ĐẠO - PHAN VINH
Trình bày: MINH TẠO