Hội thảo khoa học “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”:Vùng đất thiêng giàu bản sắc
Ngày 30/6, UBND huyện Duy Xuyên phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”, nhân chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024). Các tham luận và phản biện tại hội thảo khẳng định Duy Xuyên là vùng đất thiêng, trầm tích văn hóa, vị trí đắc địa, đóng góp lớn vào lịch sử phát triển đất Quảng.
Vùng cộng cư rộng lớn
Lần giở lịch sử, năm 1306 khi vua Chiêm Chế Mân giao châu Ô và châu Lý cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt đến vùng đất Quảng Nam.
Theo dòng mở cõi về phương Nam, các di dân người Việt đã cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới. Trên cơ sở đó, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã lập ra đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
TS.Lê Thị Mai (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) trong tham luận “Diên cách lịch sử huyện Duy Xuyên”, cho biết, Duy Xuyên là một danh xưng ra đời khá sớm ở vùng đất Quảng Nam xưa, đến nay đã tròn 420 năm lịch sử (1604 - 2024).
Tiền thân của danh xưng Duy Xuyên là Hy Giang. Từ năm 1471, Hy Giang là một trong ba huyện của phủ Thăng Hoa, Thừa tuyên Quảng Nam.
Đến năm 1604, Tiên chúa Nguyễn Hoàng chính thức cho đổi tên huyện Hy Giang thành huyện Duy Xuyên. Từ đó đến nay, về mặt hành chính, ngoài một thời gian ngắn là tên của một phủ/quận thì danh xưng Duy Xuyên xuyên suốt là tên một huyện lớn của vùng đất Quảng Nam.
Theo thời gian, diên cách của huyện thay đổi rất nhiều nhưng tựu trung, đất đai của huyện, lúc rộng lớn nhất, đã bao quát khu vực trung và hạ lưu sông Thu Bồn, trên địa phận của huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn và một phần của các huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức và TP.Hội An ngày nay.
Những người mở cõi lập làng cũng đến Duy Xuyên chủ yếu theo đường biển và qua sông lớn Thu Bồn. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng (Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng) cho rằng, vùng đông Duy Xuyên là chiếc nôi hình thành cộng đồng cư dân nối tiếp nhau.
Hầu hết tổ tiên các tộc họ có nguồn gốc từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (chủ yếu là từ xứ Thanh - Nghệ, một số ít ở Hải Dương) vào đây khai cơ lập nghiệp dọc theo sông Thu Bồn từ những ngày đầu hình thành đạo Thừa tuyên Quảng Nam, năm 1471. Một bộ phận khác sau này theo Nguyễn Hoàng khi ông vào làm trấn thủ xứ Thuận Quảng 1558.
Đây là nơi hội tụ đa dạng về sinh kế của người dân, với lợi thế phù sa từ đầu nguồn các sông lớn đưa về bồi đắp cho các cánh đồng ở nhiều làng xã.
Bên cạnh đó, phần lớn ngư dân đã tận dụng nguồn thủy sản tự nhiên để làm nghề ngư nghiệp trên sông nước rồi dần dần vươn ra biển đánh cá, từ đó hình thành những vạn nổi tiếng.
Nghề buôn bán ở vùng đông Duy Xuyên có từ rất sớm và rất phồn thịnh. Nhờ sản phẩm các ngành nghề thủ công như chiếu cói, tre nan, cá mắm dồi dào, nhu cầu lương thực của khu vực khá lớn và lợi thế giao thông đường thủy, kè cận thương cảng Hội An, nên mạng lưới thương nhân lan tỏa nhanh chóng, nổi bật là cảng Trung Phường - nơi tập trung ghe bầu nhiều nhất ở xứ Đàng Trong.
Giàu bản sắc văn hóa
Vốn từng là vùng kinh đô Trà Kiệu - thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm, đời sống cộng cư Chăm – Việt và các dân tộc khác, lại ở gần và có mối giao lưu với thương cảng Hội An phồn thịnh qua sông cái Thu Bồn, vùng đất Duy Xuyên trong lịch sử đã hình thành bản sắc văn hóa vừa đa dạng vừa độc đáo.
Nhà nghiên cứu Trương Công Huỳnh Kỳ (nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế) nhận định, Duy Xuyên là vùng đất ghi đậm nhiều dấu ấn về lịch sử văn hóa như lễ hội bà Thu Bồn, lễ hội bà Chiêm Sơn, lễ hội bà Chúa Tàm tang..., thể hiện nơi lưu giữ, tiếp biến văn hóa tâm linh Chăm - Việt.
Đây còn là nơi Chúa Nguyễn cho xây dựng chùa chiền sớm nhất ở Quảng Nam, thúc đẩy phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong; là nơi an nghỉ của Đoàn Quý Phi và hiện hữu của cụm 4 di tích kiến trúc tôn giáo tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh như Triền Tranh, chùa Vua, gò Gạch và gò Nồi; là nơi có hai thánh địa gắn với hai tôn giáo lớn…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, một số tham luận của các nhà nghiên cứu đã gợi mở hướng khai thác để phát triển Duy Xuyên. Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Thu Hiền (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng), sông Thu Bồn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Được ví như “dòng sông Mẹ” của Quảng Nam, ở những vùng đất chảy qua, trong đó có huyện Duy Xuyên, dòng sông đã để lại dấu ấn qua các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Những giá trị đặc sắc được hình thành từ dòng sông Thu Bồn đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của huyện Duy Xuyên và trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là góp phần phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch đường sông, du lịch sinh thái.
Du lịch đường sông Thu có thể khai thác các giá trị văn hóa được hình thành từ dòng sông Thu Bồn như sinh kế, huyền thoại truyền thuyết, phong tục tập quán, ẩm thực, tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề...
Tổng kết hội thảo, PGS-TS.Lưu Trang (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết, hội thảo này là diễn đàn công bố kết quả nghiên cứu về các vấn đế về lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội và con người của vùng đất Duy Xuyên, cũng như đánh giá vị trí, vai trò của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Các kết quả của hội thảo tập trung vào 4 nhóm nội dung chính là lịch sử mở đất, lập làng và dòng họ; lịch sử đấu tranh và bảo vệ Duy Xuyên; lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế; thành tựu văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo.
“Hội thảo đã đem lại nhiều kết quả mới, có giá trị thực tiễn và khoa học. Mỗi công trình có thể có những đóng góp khác nhau, tất cả đều là những sản phẩm khoa học công phu, đáng tin cậy.
Quan trọng hơn là các giá trị, sự định vị từ các công trình nghiên cứu này đã khẳng định được những đóng góp, vị thế và sự đồng hành của Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử tỉnh Quảng Nam nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung” - TS.Lưu Trang nói.
Với sự hưởng ứng nhiệt thành của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở khắp cả nước, ban tổ chức hội thảo đã nhận được 118 tham luận của 250 tác giả đến từ gần 60 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý khoa học... Ban tổ chức đã lựa chọn 49 bài báo (chiếm tỷ lệ 40%) in trong sách kỷ yếu hội thảo khoa học xuất bản có chỉ số ISBN.
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng kết quả của hội thảo sẽ là động lực to lớn để Duy Xuyên tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.