Chính quyền - đoàn thể

"Kim chỉ nam" của tín dụng chính sách

VIỆT NGUYỄN 02/07/2024 07:30

Hôm nay 2/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị 40 được xem là “kim chỉ nam” của hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua.

nhau.jpg
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Hợp tác xã Best One (phường An Phú, Tam Kỳ) chế biến sản phẩm sạch từ quả nhàu. Ảnh: Q.VIỆT

Vào cuộc đồng bộ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam, trong 10 năm triển khai Chỉ thị 40, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lồng ghép thực hiện các chương trình tín dụng chính sách sát với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến ngày 30/6, tổng dư nợ tín dụng chính sách Quảng Nam đạt 7.842 tỷ đồng (tăng 4.628 tỷ đồng so năm 2014). Chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, bền vững. Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 153/241 đơn vị cấp xã và 3.271/3.407 tổ tiết kiệm & vay vốn không có nợ quá hạn.

Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã chuyển sang Ngân hàng CSXH đạt 772,6 tỷ đồng (tăng 697,8 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 9,8%/tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 25,7%).

Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội huy động nguồn lực để bổ sung vào nguồn vốn.

Tổng nguồn vốn chính sách huy động qua tổ chức, cá nhân và qua tổ tiết kiệm & vay vốn đạt 1.248,7 tỷ đồng (tăng 1.109,7 tỷ đồng so với năm 2014).

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển biến theo hướng “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

tdcs.jpg
Tín dụng chính sách tạo lực phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn. Ảnh: Q.VIỆT

Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao hiệu quả giám sát đối với tín dụng chính sách.

Các hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Những thành quả

Chỉ thị 40 được triển khai 10 năm qua trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách. Đó là cầu nối giải ngân tín dụng, đòn bẩy thúc đẩy, gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

tdcs2.jpg
Tín dụng chính sách là “đòn bẩy” thúc đẩy gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Best One (phường An Phú, Tam Kỳ) cho biết, trên chặng đường khởi nghiệp luôn ghi nhận sự đồng hành của tín dụng chính sách.

Tiếp cận vốn vay ưu đãi cộng với nguồn lực khác đã giúp bà đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến các sản phẩm từ quả nhàu.

Đến nay, các sản phẩm OCOP nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu… của Best One đã có mặt ở TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… và đang xâm nhập ra thị trường ngoài nước.

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH TP.Tam Kỳ cho biết, Chỉ thị số 40 được triển khai trên địa bàn trong vòng 10 năm qua đã thực sự làm thay đổi căn bản nhận thức về tín dụng chính sách của các cấp ủy, chính quyền, từng cán bộ đảng viên và nhân dân.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ tạo sự thống nhất, đồng thuận toàn xã hội trong triển khai tín dụng chính sách. Qua đó thúc đẩy giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

tdcs3.jpg
Tín dụng chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến ngày 30/6, tổng doanh số cho vay ưu đãi qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đạt 15.362 tỷ đồng với gần 410 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách được vay vốn.

Đáng kể, đã có 135 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, hỗ trợ tạo việc làm cho gần 68 nghìn lao động; 30 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 107 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

“Qua 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị 40 khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân” - ông Lam nói.

VIỆT NGUYỄN