Dài thêm bước chân người giữ rừng
Tiếp nối những cuộc tuần tra xuyên núi, món quà mang về của nhiều cán bộ, đảng viên Chi bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao la có khi chỉ là hàng chục chiếc bẫy thú vừa được tháo gỡ, chất đầy ba lô. Chừng quá quen với công việc “ăn sương núi, ngủ mưa rừng”, niềm vui cứ thế hiện hữu sau mỗi chuyến đi an toàn…
Trách nhiệm trước tập thể
Vừa trở về sau chuyến tuần tra, Hồ Quốc Cường - đảng viên Chi bộ Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn Sao la vội vã ngược núi để kịp cuộc họp quan trọng của chi bộ bàn về công tác quản lý rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhiều năm làm nhiệm vụ giữ rừng, với Hồ Quốc Cường, những chuyến tuần tra đã trở nên quen thuộc, anh xem đó là trách nhiệm của bản thân trước tập thể và cộng đồng.
Vài năm trở lại đây, miền tây xứ Quảng liên tiếp ghi nhận những đợt nắng nóng, mưa lớn kéo dài. Không bỏ cuộc trước khó khăn thử thách, hễ có kế hoạch, Quốc Cường lại cùng anh em lên đường làm nhiệm vụ.
Nơi rừng thiêng nước độc, chuyến đi có khi kéo dài cả tuần lễ, băng khắp các tiểu khu lâm phận quản lý. Mặc cho sương núi mưa rừng, hành trình tuần tra, những bước chân cứ thế len lỏi khắp các sườn đồi, dốc đá.
“Có nhiều đợt lũ đột ngột từ đầu nguồn đổ về, anh em chỉ kịp rời khỏi lán trại thoát thân. Giây phút sau đó, toàn bộ xoong nồi, chén bát, thực phẩm đều bị cuốn trôi. Nhưng may mắn là anh em vẫn còn bao gạo dự trữ đặt trên cao nên đủ lương thực để cầm cự, chờ lũ rút. Thật ra, anh em dùng ống nứa để nấu cơm, ăn chống đói” - anh Cường chia sẻ.
Trạm chuyên trách BQL Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam, nơi Hồ Quốc Cường công tác, được đặt tại xã Sông Kôn (Đông Giang). Với địa hình đồi núi hiểm trở, hàng chục năm trước, nơi này được mệnh danh là “đầu nậu gỗ rừng”.
Lâm tặc tứ xứ đổ về, nhiều cánh rừng nguyên sinh của đồng bào Cơ Tu bị tàn phá nghiêm trọng trong một thời gian khá dài. Mãi về sau, khi các trạm kiểm lâm, bảo vệ rừng được thành lập, lúc đó gỗ cũng không còn nhiều nữa, lâm tặc dần rút lui, cánh rừng được trả lại và dần hồi sinh.
“Nhưng bây giờ, điều khiến anh em sợ nhất vẫn là thợ săn. Mình đi tuần tra sáng sớm, họ cũng đi giờ đó, trên tay có cả súng săn tự chế. Nếu lỡ họ nhìn nhầm, thấy bóng mình tưởng là thú rừng thì nguy cơ dính đạn như chơi. Vì thế, trong mỗi chuyến tuần tra, anh em nhắc nhau cẩn thận, không đi riêng lẻ, hỗ trợ nhau mỗi chuyến đi tuần” - Hồ Quốc Cường chia sẻ.
Nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như Hồ Quốc Cường và nhiều anh em khác nữa ở đơn vị ngoài hành trình “theo dấu chân sao la” còn là tháng ngày rong ruổi, từ kiểm tra bẫy ảnh, thay pin, xem dữ liệu trong thẻ nhớ máy ảnh, cho đến việc kiểm soát người ra vào, ngăn chặn xử lý phá rừng, săn bắn, gỡ bẫy thú của người dân lén lút đặt...
Nhiều thời điểm, anh em kết hợp chuyến đi tuần tra với lấy mẫu phân khu vực nghi ngờ có sao la, thậm chí là lấy vắt vùng đó đem về gửi các nhà khoa học phân tích để đánh giá khả năng xuất hiện sao la để khoanh vùng bảo vệ.
Vất vả, hiểm nguy nhưng chưa bao giờ anh em bỏ cuộc, bởi ai trong số họ cũng đều chung suy nghĩ, như lời hứa về trách nhiệm được ghi trong các bản đăng ký rèn luyện hằng năm…
Để cánh rừng thêm xanh
Ông Lê Hoàng Sơn - Bí thư Chi bộ, Giám đốc BQL Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam nói, những chuyến tuần tra trong rừng sâu, hay kể cả các buổi vận động, tuyên truyền người dân về hoạt động góp sức bảo vệ rừng và động vật hoang dã thời gian qua đều được triển khai một cách chặt chẽ.
Thông qua hoạt động này, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Chi bộ trong toàn thể cán bộ đảng viên, tạo được sự đồng thuận trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp thúc đẩy sự vào cuộc của cộng đồng địa phương.
“Rất nhiều buổi tuyên truyền được lồng ghép của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng giúp người dân hiểu rõ hơn về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ rừng.
Đặc biệt là hoạt động truyền thông bảo vệ động vật hoang dã được triển khai rộng khắp tại các khu dân cư, trường học và luôn nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân và học sinh miền núi.
Nhận thức được ý nghĩa trong việc bảo vệ rừng, nhất là tạo cơ hội để cộng đồng hưởng lợi các sinh kế, nhiều người dân tích cực tham gia nhóm cộng đồng bảo vệ rừng, cùng góp tiếng nói, hành động giúp cánh rừng ngày càng được phục hồi” - ông Sơn nói.
Sự vào cuộc của người dân, theo ông Sơn chính là dấu ấn lớn để cán bộ đảng viên và người lao động trong đơn vị thật sự yên tâm. Bằng vai trò, trách nhiệm của đảng viên, anh em miệt mài bám sát người dân, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về nhiệm vụ giữ rừng.
Ở nhiều khu dân cư, sau các buổi tuyên truyền, người dân hưởng ứng tham gia tháo gỡ bẫy thú, giao nộp các loại súng săn, cam kết không săn bắn, thu mua động vật hoang dã, góp sức giữ màu xanh cho rừng.
“Nhiều đợt phối hợp tuần tra của anh em lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong rừng sâu thuộc lâm phận quản lý trong thời gian gần đây không phát hiện dấu hiệu vi phạm nào về xâm lấn rừng và khai thác lâm sản trái phép, số lượng bẫy tháo gỡ cũng giảm xuống rất nhiều so với so với những năm đầu mới thành lập.
Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền bước đầu đem lại hiệu quả đáng mừng. Đặc biệt là trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, theo ghi nhận, từ năm 2021 đến nay trên lâm phận quản lý không có vụ cháy rừng nào xảy ra” - ông Sơn cho biết thêm.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”