Bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương: Cần tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vốn
Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình) chỉ còn cổng Tháp Sáng, nhưng cũng đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ ngã đổ…
Cuối năm 2019, UBND huyện Thăng Bình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 5,3ha.
Trong khu vực này có 11 nhà dân, 112 ngôi mộ; có hơn 5.000m2 đất màu và 9.200m2 cây keo lá tràm. Ngoài ra, còn có 1.600m2 đất ở nông thôn; 5.000m2 đất trồng lúa; 236m2 đất trồng cây hằng năm; 698m2 đất tín ngưỡng và 20.000m2 đất trồng rừng.
Hằng năm, UBND huyện Thăng Bình bố trí kinh phí 20 triệu đồng để phát quang khu vực xung quanh cổng Tháp Sáng và đường vào di tích.
Dự án chờ... kinh phí
Năm 2020, UBND huyện Thăng Bình đã thành lập Tổ quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, thực hiện nhiệm vụ được giao, khoanh vùng, bảo vệ, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm hại đối với di tích, không thực hiện việc thu bất cứ loại phí nào tại di tích này.
Tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói: Thường trực Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với phương án đề xuất của Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình.
Đây là di tích quốc gia đặc biệt nên cần phải ưu tiên bố trí nguồn vốn theo hướng công trình khẩn cấp, để sớm có nguồn lực triển khai thực hiện khoanh vùng di tích, giải tỏa dân cư, tổ chức bảo tồn khu Tháp Sáng.
Theo bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, năm 2016 UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí gần 5 tỷ đồng theo Quyết định số 3486 (ngày 28/9/2015) để xây dựng tường rào bảo vệ khu vực I, bao gồm 2 hạng mục: tường rào, cổng ngõ và con đường nội bộ đi vào di tích. Hiện nay, cổng Tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa bị rơi rớt, nguy cơ ngã đổ nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Theo bà Nhi, thực hiện Thông báo số 182 ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh, UBND huyện Thăng Bình đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức đối chiếu giữa bản đồ và kiểm tra thực địa để phục vụ cắm mốc khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Đồng thời đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan của huyện khảo sát, kiểm đếm thực tế cây cối, vật kiến trúc trong khu vực khoanh vùng bảo vệ và lập dự toán kinh phí thực hiện.
Trên cơ sở đó, ngày 8/9/2022, UBND huyện Thăng Bình đã lập Tờ trình số 311 về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ đất đai (vùng lõi di tích) và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng di tích này, với tổng kinh phí thực hiện 10,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hạng mục trên.
Được biết, công tác thăm dò, thám sát, khảo cổ để lập Quy hoạch bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3490, ngày 21/12/2022, với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng.
Nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện do nguồn kinh phí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa đảm bảo (chưa được bố trí trong Nghị quyết số 28, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh) và HĐND tỉnh đã thống nhất đưa vào danh mục dự án đầu tư khi xuất hiện nguồn.
Có kinh phí thì chờ thủ tục
Trong khi các dự án trên đang chờ kinh phí thì Dự án tu bổ, gia cố phục hồi và phát huy giá trị Tháp Sáng thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2270, ngày 25/12/2023 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, dự án trùng tu cổng Tháp Sáng đã được bố trí kinh phí theo Nghị quyết số 13, ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh với kinh phí 12 tỷ đồng.
Dự án này không vướng gì về nguồn vốn, song thủ tục hồ sơ rất phức tạp vì thuộc di tích quốc gia đặc biệt nên phải lấy ý kiến của Bộ VH-TT&DL, tư vấn của chuyên gia…
Liên quan đến nguồn kinh phí UBND huyện Thăng Bình nêu, theo ông Hồng, đó là hai dự án thành phần không thuộc Nghị quyết số 13 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thám sát, khảo cổ để phục vụ cho dự án quy hoạch tổng thể sau này, với gần 5,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, do nguồn không có nên đưa vào dự án chờ trong danh mục khi xuất hiện nguồn. Ngoài ra, trước đây làm việc với UBND huyện Thăng Bình, lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất bố trí kinh phí 10,2 tỷ đồng để di dời, tái định cư cho 11 hộ dân, 112 ngôi mộ trong vùng lõi di tích, nhưng nay cũng chưa bố trí được nguồn.
Thống nhất với đề nghị của Thăng Bình về việc hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện đo đạc, bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng lõi của di tích (quy mô 5,2ha) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, ông Hồng cho rằng, nên gộp hai dự án này thành một dự án để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, dễ thực hiện.
Về chuyên môn khảo cổ, thám sát Sở VH-TT&DL sẽ thực hiện, còn việc tái định cư, hỗ trợ cho người dân di dời ra khỏi vùng lõi di tích thì địa phương chịu trách nhiệm triển khai.
“Phân công trách nhiệm như vậy, ngành cũng mong tỉnh ưu tiên bố trí nguồn để sớm triển khai thực hiện dự án. Nếu không, khi đưa vào danh mục chờ xuất hiện nguồn nhưng không có sự ưu tiên bố trí vốn trước thì không biết đến bao giờ mới làm được. Không tiến hành khảo cổ, thám sát, cũng không quy hoạch, rào chắn di tích để dân đi lại tự do thì không thể làm các công việc khác” - ông Hồng nói.