Câu chuyện thứ hai của rau sạch
Mong muốn sản xuất chuyên sâu, nâng tầm các loại rau bản địa, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư sản xuất chuyên sâu nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Đặc trưng bột rau sen Đại Bình
Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng đặc trưng, làng Đại Bình (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) có nhiều đặc sản, trong đó phải kể đến rau sen.
Ông Hứa Đình Hà - Phó Giám đốc HTX Sinh thái Đại Bình cho biết, rau sen Đại Bình được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP vào ngày 11/3/2019.
Theo kết quả thử nghiệm, thành phần chính trong rau gồm gluxit 61,7%, lipit 2,24% và rất nhiều acid amin khác cần thiết cho cơ thể. Những năm qua, nhiều nơi tiến hành nhân giống, trồng cây rau sen nhưng không nơi nào có được mùi vị thơm ngon như ở Đại Bình.
Xuất phát từ ý tưởng quảng bá đặc sản rau sen, cung cấp đến người tiêu dùng khắp nơi nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn chất lượng như rau tươi, HTX Sinh thái Đại Bình mạnh dạn nghiên cứu, sản xuất và cho ra đời bột rau sen sấy lạnh.
Theo ông Hà, quy trình chế biến bột rau sen bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được độ dinh dưỡng cao. Rau sau khi hái và chọn lựa cẩn thận thì được làm sạch, để ráo, sấy lạnh từ 24 - 30 giờ. Công nghệ này giúp giữ được gần như nguyên vẹn hương vị, giá trị dinh dưỡng của rau tươi. Khi rau sấy khô và làm nguội sẽ được nghiền mịn và đóng gói.
“Sản phẩm bột rau sen ra mắt từ tháng 3/2024. Mặc dù còn đang quảng bá, dùng thử nhưng sản phẩm đã nhận về phản ứng tích cực từ phía khách hàng.
Hiện, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất các dòng sản phẩm OCOP 3 sao như dầu phụng Đại Bình, bưởi trụ…, thời gian đến chúng tôi nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, nâng tầm sản phẩm bột rau sen để tham gia chương trình OCOP” - ông Hà nói.
Bột rau má đậu xanh Duy Oanh
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng chuyên trồng rau má, đậu xanh và các loại nông sản khác đang xanh tốt, chị Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho biết, nhiều năm qua đơn vị chủ động liên kết cùng nhà nông sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào, phục vụ cho việc sản xuất các loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 3 sao. Đồng thời, từng bước giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn.
Chị Mỹ chia sẻ: “Làm thế nào để uống một ly nước rau má đậu xanh vừa tiện lợi vừa đảm bảo chất lượng? Đó là điều thôi thúc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm bột rau má đậu xanh vào tháng 5/2024.
Theo đó, sau khi thu hoạch, rửa sạch, rau má được sấy lạnh tiệt trùng ở nhiệt độ 35ºC trong vòng 12 tiếng. Đậu xanh được sàng lọc, rửa sạch và rang chín bằng “lò gang than củi”. Sau đó trộn đều và nghiền mịn thành bột.
Hiện nay, HTX đang liên kết sản xuất và thu mua rau má ở nhiều địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An với diện tích khoảng 1,5ha; liên kết sản xuất 2ha đậu xanh, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch”.
Cũng theo chị Mỹ, cách sử dụng bột rau má đậu xanh rất đơn giản, chỉ cần hòa tan trong nước ấm hoặc nước sôi, cho thêm đường phèn, sữa tươi, nước ép tùy khẩu vị, uống ấm hoặc thêm đá. Sản phẩm tích hợp giữa việc đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, hương vị thuần túy và tính tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh đang sản xuất các sản phẩm như bột ngũ cốc Duy Oanh, thanh gạo lứt hạt và rong biển, bột rau má đậu xanh,… HTX kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ ở ngay từ vùng nguyên liệu, việc gieo trồng, thu hoạch, chế biến, cho đến sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Có thể thấy, việc đầu tư sản phẩm theo hướng chuyên sâu góp phần khẳng định ưu thế của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị cũng như khả năng tiêu thụ nông sản đặc trưng của các địa phương. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thực hiện theo Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay trên địa bàn Quảng Nam có 81 dự án liên kết được phê duyệt, thu hút 80 hợp tác xã và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi với 17.261 hộ dân, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi.
Việc hợp tác, liên kết sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai chương trình OCOP.