Chính trị

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng:“Vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ ách tắc, thúc đẩy phát triển”

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 05/07/2024 09:25
le-van-dung-1.jpg

Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đối với đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi thẳng thắn, chân thành về những nhiệm vụ và giải pháp ưu tiên trong thời gian tới.

gia-han-4-.jpg
Kinh tế Quảng Nam 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng dương.
MOT SO DOANH NGHIEP PHUC HOI (1)
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của chính quyền.
DAY NHANH TIEN DO GIAI PHONG MAT BANG (1)
Giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án đang gặp khó khăn.
THIEU DAT NHIEU CONG TRINH DUNG THI CONG (2)
BAT DONG SAN (1)
Nếu nhà đầu tư nào tâm huyết với Quảng Nam, chính quyền sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động.

Phóng viên

- Thưa đồng chí, tăng trưởng kinh tế Quảng Nam đã có sự phục hồi. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xin đồng chí cho biết những ưu tiên của chính quyền tỉnh trong thời gian tới?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua cũng chỉ là dấu hiệu khởi sắc bước đầu. Vẫn còn nhiều khó khăn. Muốn phát triển, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2024, ưu tiên đầu tiên là các cấp chính quyền cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và tập trung đầu tư công để dẫn dắt đầu tư. Nếu không có giải pháp quyết liệt, không tháo gỡ khó khăn cho DN, không đầu tư thì nền kinh tế sẽ tiếp tục sụt giảm.

Ưu tiên kích cầu nền kinh tế phát triển nhưng cũng phải vừa chăm lo cho đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nhiệm vụ cần phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt.
Một trong những công việc hết sức cần thiết bây giờ là quyết liệt hơn trong cải cách hành chính.

Đặc biệt là xốc lại tinh thần làm việc, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh. Tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, viên chức sợ sai, né tránh, đùn đẩy công việc, thậm chí là không làm hoặc làm việc không hiệu quả đang là rào cản rất lớn, nếu chúng ta không tháo được rào cản này thì sẽ không thực hiện được các việc đã nói trên.

Lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng này. Trách nhiệm đặt trên vai lãnh đạo UBND tỉnh bây giờ là vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ để thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thống nhất toàn Đảng, toàn dân, hội tụ trở thành sức mạnh tập thể để triển khai tốt các nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2024.

Đồng chí Lê Văn Dũng cùng lãnh đạo tỉnh tham quan thư viện số cộng đồng TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.PHÚ
Đồng chí Lê Văn Dũng cùng lãnh đạo tỉnh tham quan thư viện số cộng đồng TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.PHÚ

Phóng viên

- DN rời bỏ thị trường đang gia tăng. Đâu sẽ là những biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho DN?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

DN đang gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, chính quyền các cấp phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN.

Khó khăn nhất hiện nay là cơ chế, thủ tục cho hoạt động của DN còn rườm rà. Tỉnh sẽ vào cuộc rà soát, vướng mắc nào nếu vượt thẩm quyền sẽ đề xuất Trung ương tháo gỡ; nếu thuộc thẩm quyền của địa phương thì tỉnh sẽ tập trung nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đội ngũ cán bộ thừa hành. Cả hệ thống chính trị phải cùng cộng đồng trách nhiệm giải quyết công việc một cách nhanh nhất, tốt nhất để tạo điều kiện cho DN hoạt động.

Tôi không đồng tình với cách làm còn nhiêu kê, kéo dài thủ tục hành chính cho DN không cần thiết như hiện nay. Không thể để cho DN tiếp tục gặp khó về việc thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu xây dựng. Phải chấm dứt tình trạng đầu cơ, thổi giá vật liệu gây khó cho các DN xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng

Giải phóng mặt bằng đang là rào cản, vướng mắc lớn khiến nhiều công trình chậm trễ, các dự án không thể khởi công. UBND tỉnh sẽ có biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn này trong thời gian đến. Sẽ phải cố gắng hết mức để đưa nền kinh tế địa phương chạy thông suốt. Có như vậy, DN và nhà đầu tư sẽ yên tâm, tiếp tục đầu tư vào Quảng Nam.

Phóng viên

- Giải phóng mặt bằng đang là nút thắt của nền kinh tế. Liệu có phương thức gì để tháo gỡ việc này một cách nhanh chóng không, thưa đồng chí?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Phải thừa nhận lĩnh vực giải phóng mặt bằng là lĩnh vực khó, quá nhiều vướng mắc ở từng dự án khác nhau. Tuy nhiên, không phải vướng đến mức không thể làm được. Sẽ phải gỡ cho được, nhưng phải thực tế, kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, đúng theo quy định pháp luật.

Những vướng mắc từng công trình cụ thể thì phải có biện pháp cụ thể cho từng công trình. Ngay như những dự án vướng đất 5% không giải quyết được là một trong những vấn đề lớn và khó. Tuy nhiên, cũng sẽ có giải pháp.

Sắp đến, UBND sẽ tổng rà soát lại đất 5% này, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương và đề xuất HĐND tỉnh thông qua khoản ngân sách để hỗ trợ cho người dân đang canh tác trên đất 5%. Hỗ trợ về vật kiến trúc trên đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề để thu hồi đất này. Đó là giải pháp cần tập trung thực hiện.

Nếu định mức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thật sự bất hợp lý thì đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh. Một khi điều chỉnh rồi mà người dân không chấp hành thì buộc phải thực thi biện pháp hành chính. Một là bảo vệ thi công, hai là cưỡng chế để thi công. Cương quyết như vậy mới giải phóng mặt bằng được và địa phương cũng đã có kinh nghiệm xử lý việc này thông qua một số dự án như quốc lộ 40B, 14E, tuyến ven biển...

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói về cách tháo gỡ "điểm nghẽn" công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất:

VIDEO: PHAN VINH

Phóng viên

- Đầu tư công là động lực của tăng trưởng kinh tế, nhưng tỷ lệ giải ngân hiện ở mức thấp. Sắp tới, UBND tỉnh có giải pháp nào mạnh mẽ hơn?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Đầu tư công là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, 6 tháng qua, tỷ lệ giải ngân quá thấp (27%). Không giải ngân được thì đồng nghĩa với dòng tiền không chu chuyển được, nền kinh tế sẽ chậm phát triển. UBND tỉnh đã bàn về vấn đề này.

Sắp tới sẽ thành lập 5 tổ công tác do chủ tịch, các phó chủ tịch UBND làm tổ trưởng, trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của 6 tháng cuối năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Chính quyền sẽ xem xét, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như công trình, phần việc nào đó chậm trễ do chủ đầu tư chủ quan không chỉ đạo, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, cũng xem xét các yếu tố khách quan. Nếu do cơ chế, chính sách, do điều kiện... thì có thể xem xét để tháo gỡ. Chính quyền không cho phép, không đồng tình với việc thiếu trách nhiệm, làm không đến nơi đến chốn, sẽ xử lý chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc chậm trễ, cầm chừng, không tháo gỡ khó khăn để công trình dang dở, không giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Thậm chí sẽ điều chuyển công việc một số người vi phạm để thức tỉnh nhiệm vụ này trong thời gian tới.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ về biện pháp xử lý sự chậm trễ trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công:

VIDEO: PHAN VINH

Phóng viên

- Thưa đồng chí, một vấn đề nóng hiện nay là các dự án bất động sản bị đóng băng. Chính quyền có cách gì để tháo gỡ cho tình trạng này trong những tháng cuối năm?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Vướng mắc đáng kể chưa thể tháo gỡ được là chưa giải quyết được giá đất. Một khi chưa có giá đất, DN chưa thể thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và chưa thể tiếp tục thực hiện dự án. UBND tỉnh sẽ củng cố lại hội đồng thẩm định giá đất, tiến hành định giá, xác định giá đất đúng quy định. Nhiều DN đã chuẩn bị hàng ngàn tỷ đồng để nộp vào ngân sách nhà nước, nhưng chưa có hội đồng thẩm định giá đất nên nguồn thu đó vẫn chưa có.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay gia hạn dự án bất động sản cũng đang là điều bức xúc. Thiếu sót của chính quyền, cơ quan quản lý là chưa vào cuộc nghiên cứu kỹ đề xuất của DN. UBND tỉnh sẽ phân loại và có giải pháp cho từng dự án.

Những dự án nào hoàn thành từ 90 - 100% cơ sở hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì không có lý do gì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ để tiếp tục hoạt động. Việc này hoàn toàn đúng quy định pháp luật, nhưng chưa làm thì sắp đến phải làm ngay.

Những dự án nào mới hoàn thành 80%, chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì sẽ cấp theo tỷ lệ %, tạo điều kiện cho DN giao dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu nhà đầu tư nào tâm huyết với Quảng Nam, với dự án của mình, không phải chiếm dự án xí phần thì chính quyền sẵn sàng tạo điều kiện bằng cách gia hạn dự án đúng theo quy định pháp luật để nhà đầu tư tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Những khúc mắc, rào cản đó, tháo gỡ được thì DN bất động sản sẽ có điều kiện phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và ngân sách địa phương ngay trong năm 2024.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ về định hướng tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các dự án bất động sản hiện nay:

VIDEO: PHAN VINH

- Xin cảm ơn đồng chí!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)