Phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam:Nhiều thách thức
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến tiến trình phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết 13 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gặp nhiều thách thức.
Nhiều chỉ tiêu nguy cơ không đạt
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, nhất là trong giai đoạn 2020 - 2022. Rủi ro phi truyền thống này đã khiến lượng khách du lịch bị sụt giảm nặng nề trong thời gian dài.
Theo UBND tỉnh, dự kiến đến năm 2025, tổng lượt khách đến Quảng Nam sẽ đạt khoảng 8 triệu lượt, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 13 đề ra (12 triệu lượt khách); trong đó, khách quốc tế khoảng 4,2 triệu lượt khách (tỷ lệ 52,5%), cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (chiếm 50%).
Dự kiến đến năm 2030, tổng lượt khách đạt khoảng 12 triệu lượt khách, không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (18 triệu lượt khách); trong đó khách quốc tế khoảng 6,6 triệu lượt khách, tỷ lệ 55%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (chiếm 50%).
Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành vào tháng 7/2021; trong đó hướng đến mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước.
Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh.
Một chỉ tiêu quan trọng khác của Nghị quyết 13 đề ra khả năng rất cao cũng không đạt là thu nhập xã hội từ du lịch. Năm 2023 chỉ số này đạt 18.683 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 20.000 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (26.000 tỷ đồng). Đến năm 2030 dự kiến đạt 30.000 tỷ đồng và cũng không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (45.000 tỷ đồng).
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động trực tiếp trong ngành du lịch năm 2023 khoảng 11.000 người, sụt giảm so với thời điểm 2019. Dự kiến đến năm 2025 đạt 15.000 người, không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 23.000 người.
Đến năm 2030 là 20.000 người, chỉ đạt một nửa chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 40.000 người. Kinh tế du lịch lao đao trong thời gian dài kéo theo nguồn lực đầu tư ở lĩnh vực này, trong đó có lưu trú du lịch cũng trầm lắng trong giai đoạn ngắn hạn.
Theo dự báo của UBND tỉnh, đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.150 cơ sở với 26.000 phòng, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 13 đề ra (1.200 cơ sở với 29.000 phòng).
Theo nhận định chung của doanh nghiệp du lịch, việc đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai, cảng biển chưa có nhiều chuyển biến; khảo sát nhu cầu thị trường khách du lịch và dự báo tình hình định hướng phát triển du lịch chưa được thực hiện một cách quy mô, khoa học. Đồng thời chưa thành lập được quỹ xúc tiến du lịch Quảng Nam; hợp tác công - tư (PPP) trong việc quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới vẫn bỏ ngỏ... Đó là những khoảng trống lớn cần được thúc đẩy để du lịch Quảng Nam, tạo ra bước đột phá mới trong giai đoạn tới.
Những chuyển động
Dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2021 - 2023, Quảng Nam đã quan tâm xúc tiến đầu tư và thu hút được 116 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 15.900 tỷ đồng; 13 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký hơn 84 triệu USD.
Một số dự án trong lĩnh vực du lịch tiêu biểu như Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An (vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng); Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Nam Hội An (vốn đầu tư 4 tỷ USD), Four Seasons Resort The Nam Hai (vốn đầu tư 35 triệu USD)…
Giai đoạn này nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp cũng đi vào hoạt động như Shilla Monogram & The Five villas Quangnam Danang, Bliss Hoi An Beach Resort & Wellness, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang…
Giai đoạn 2021 - 2023, cơ quan quản lý công nhận thêm 1 khu du lịch và 6 điểm du lịch, nâng tổng số các khu, điểm du lịch được công nhận trên địa bàn tỉnh lên 1 khu du lịch và 20 điểm du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung nhưng 3 năm qua du lịch Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho phát triển du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển du lịch theo định hướng kết hợp phía bắc, phía nam, phía tây của tỉnh, liên kết phát triển du lịch với TP.Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
Qua đó nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030; xây dựng và thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm, Quảng Nam cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31 ngày 31/7/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030.
Lập quy hoạch xây dựng cảnh quan ven sông Cổ Cò và quy hoạch xây dựng dọc sông Trường Giang. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch giai đoạn 2024 - 2025 (đặc biệt ưu tiên thu hút các đơn vị có thương hiệu du lịch lớn trong nước và trên thế giới)...