Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Còn 5 mục tiêu Quảng Nam khó "chạm"
Đã vượt 3 mục tiêu, khả năng đạt và vượt 7 mục tiêu, song vẫn còn 5 mục tiêu khó “chạm”, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện, Tỉnh ủy đề ra những giải pháp với kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thời gian tới.
Áp lực
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, dự kiến sẽ có 5/15 chỉ tiêu của Nghị quyết 12 không đạt kế hoạch. Các chỉ tiêu này bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ che phủ rừng, số xã đạt chuẩn nông thôn mới, số thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, số hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất theo giai đoạn.
Phân tích thực trạng hiện tại, ông Thử cho rằng kinh tế - xã hội miền núi phát triển vẫn còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực.
Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh. Việc thực hiện chính sách dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội miền núi đôi lúc chưa đồng bộ, kịp thời; chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương còn hạn chế...
Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12 và dự báo tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh ủy thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 12.
Cụ thể, đến năm 2025: tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm xuống còn dưới 21%; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt hơn 67%. Định hướng đến năm 2030: giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt hơn 69%.
“Nghị quyết số 12 đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành sắp xếp dân cư cho 7.800 hộ, khoảng 1.560 hộ/năm. Tiến độ thực hiện đến năm 2023 mới chỉ đạt khoảng 2.080 hộ, đạt 26,59% chỉ tiêu nghị quyết.
Quỹ đất sản xuất và quỹ đất ở tại các huyện miền núi ngày càng hạn chế. Công tác xây dựng các khu tái định cư tập trung ở các địa phương chưa kịp thời do còn hạn chế về nguồn lực. Phát triển kinh tế, tăng thu nhập gắn với đặc điểm khu vực miền núi đối diện nhiều khó khăn.
Trong khi đó, công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên đạt tỷ lệ thấp, thu hút người dân đầu tư trồng rừng gỗ lớn gặp khó do chu kỳ dài ngày, tiềm ẩn rủi ro về thiên tai, chưa có chính sách bảo hiểm. Việc triển khai các chương trình, dự án khoán bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu...” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
Bám sát quy hoạch và tình hình thực tiễn
Thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 (khóa XXII) chiều 4/7, nhiều đại biểu đề nghị Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Tạo điều kiện, cơ hội để hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn... phát triển sản xuất, tạo sinh kế và thu nhập thường xuyên, ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời, tập trung theo dõi, đôn đốc, triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vận dụng tối đa một số cơ chế, chính sách đặc thù, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, dự án sắp xếp dân cư miền núi gắn với vấn đề di dân vùng sạt lở, lũ quét...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương miền núi cần chú trọng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải được chú trọng hơn, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ công tác ở khu vực miền núi, cán bộ người dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.