Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam kiến nghị xóa gần 4 tỷ đồng số dư nợ quá hạn của Chương trình 327

ĐĂNG NGỌC 06/07/2024 09:39

(QNO) - Dự án Chương trình 327 kết thúc đã lâu, mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ, nhưng vẫn không thu hồi hết được vốn vay còn nợ của dự án...

img_0089.jpg
Dự án Chương trình 327 triển khai nhằm hỗ trợ trồng rừng trên đất trống, đồi trọc; tuy nhiên quá trình tiêrn khai không hiệu quả như mục tiêu dự án. Ảnh: Đ.N

Đây là một trong các nội dung báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc rà soát, đánh giá, phân loại và đề xuất xử lý dự nợ vay Chương trình 327 theo đề nghị của Bộ Tài chính tại các Công văn số 11019 và Công văn 1373.

Theo UBND tỉnh, thực hiện Quyết định số 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước, ngày 19/6/1993, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành Quyết định số 1008 giao chủ quản dự án Chương trình 327 cho các giám đốc chuyên ngành quản lý và chỉ đạo thực hiện.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ủy quyền cho Giám đốc các Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và Trưởng ban Định canh - định cư tỉnh (nay là Sở NN&PTNT và đơn vị trực thuộc sở) làm chủ dự án, trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án Chương trình 327 trên lĩnh vực của từng ngành.

Đối tượng thực hiện dự án gồm 2 nhóm, bao gồm các hộ gia đình và cá nhân; các lâm trường, Hội làm vườn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án Chương trình 327 thuộc các huyện, xã. Trong quá trình cho vay và thu hồi nợ vốn vay Chương trình 327, UBND tỉnh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, đến 31/12/2022 vẫn còn tồn tại số dư nợ gốc của dự án Chương trình 327 gần 4 tỷ đồng.

121112357_203840434423381_4919229389690166114_n.jpg
Do điều kiện kinh tế khó khăn, lại phải chịu thiên tai hoành hành nên nhiều hộ dân không đủ khả năng trả nợ, nhiều người đã mất, già yếu... Ảnh: Đ.N

Nguyên nhân cụ thể được xác định, đối với nhóm đối tượng cho vay thuộc các hộ vùng kinh tế mới, định canh định cư, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dịch bệnh bò “lở mồm, long móng” tái đi tái lại nhiều lần, nắng hạn kéo dài và thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra và thường để lại những hậu quả nặng nề, nhân dân trong các vùng dự án đời sống quá khó khăn, một số hộ vay nuôi bò, trồng cây lâu năm nhưng bò và cây trồng bị chết. Hiện nay, người vay vốn hiện đã già yếu hoặc đã chết nên không có khả năng hoàn trả vốn đã vay còn nợ.

Đối với nhóm các lâm trường, Hội làm vườn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án Chương trình 327 thuộc các huyện, xã làm chủ dự án nhưng trụ sở cơ quan nhiều lần thay đổi địa điểm nên hồ sơ bị thất lạc, không liên hệ được hoặc đã giải thể nên không thể thu hồi nợ...

Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh cho rằng, dự án Chương trình 327 thực hiện đã hơn 30 năm (triển khai từ năm 1993 - 1997), thời kỳ trước khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Do vậy, các cán bộ trước đây phụ trách công việc này nghỉ hưu đã lâu, trụ sở cơ quan nhiều lần thay đổi địa điểm nên hồ sơ bị thất lạc, các tổ chức tham gia dự án có vay vốn hiện đã giải thể.

Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ dân vay để chăn nuôi bò, phát triển kinh tế vườn… nhưng qua nhiều đợt thiên tai, dịch bệnh các vật nuôi đã chết, kinh tế vườn không hiệu quả, gia đình vay vốn thuộc hộ nghèo, người vay vốn để thực hiện dự án hiện đã già yếu hoặc chết nên không có khả năng hoàn trả vốn.

b58acacf05b4d2ea8ba5.jpg
Trước tình hình thực tiễn khó khăn của các hộ dân, cộng thêm hồ sơ thất lạc do dự án kết thúc đã lâu, UBND tỉnh đề nghị xóa số dư nợ quá hạn gần 4 tỷ đồng của Chương trình 327. Ảnh: Đ.N

"Chương trình 327 kết thúc đã lâu, UBND tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ, tuy nhiên vẫn không thu hồi hết được vốn vay còn nợ của dự án. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kính báo cáo Bộ Tài chính xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép
xóa nợ đối với số dư nợ quá hạn của Chương trình 327, với số tiền 3.986.053.168 đồng" - báo cáo nêu.

ĐĂNG NGỌC