Mặn mà nồi cá kho đậu
Cá kho dưa cải, dưa gang muối, kho măng, kho thơm hay thậm chí kho mít non… đã quá quen thuộc với người Quảng. Nhưng với cá kho đậu trái - như đậu đũa, đậu cô ve, đậu quyên... lại là món ăn quê kiểng mà lâu rồi chưa thấy lại.
Cá ồ và đậu trái
Người không rành về những món ăn quê sẽ ngạc nhiên hoặc hoài nghi về sự kết hợp ngẫu nhiên đầy lý thú này. Còn với dân nhà quê thứ thiệt, cá kho đậu trái trở thành món ngon nằm lòng. Đến nỗi, mỗi khi nhớ nhà là thèm chén cơm trắng ăn cùng món cá kho đậu trái.
Mà kể cũng lạ, trong khi món cá kho với dưa cải, dưa trái, thơm thì chỉ tập trung ở một số loại, chủ yếu là kho xâm xấp nước. Riêng cá kho đậu thì cá nào cũng có thể se duyên.
Chỉ cần có cá vừa câu ngoài ruộng, trong vườn có mấy luống đậu đang kết trái xanh um là có thể nhóm bếp, bắc một nồi cá mà mùi vị thấm thía đến kẽ răng.
Trời mùa này dở dở ương ương, miệng nhạt thếch chẳng biết ăn gì để tìm lại khẩu vị đã mất. Đang loay hoay suy nghĩ nên nấu món chi để đổi vị cho cả nhà, thì mấy chị hàng cá rôm rả mời: “Mua cá ồ về kho đậu trái đi mấy chị ơi…!”.
Đầu óc như bật đèn pha khi nghe lời rao nhiệt tình giữa cái nóng nung người ngày hạ chí: “Ồ, sao mình lại quên bẵng món cá kho ni hè?”. Vậy là vội vàng mua dăm con cá có cái tên “ồ” đầy ngạc nhiên. Ghé qua hàng rau mua bó đậu đũa. Vậy là đã giải được bài toán “ăn gì hôm nay” của các bà nội trợ trong những ngày nắng nóng.
Người ta đồ rằng, con cá “ồ” phải có tên đầy đủ là: “Ồ! Ngạc nhiên chưa?” hay nói theo kiểu dân Quảng Nam: “Ồ, cái chi rứa?”. Cũng có thể vào mùa gió nam, cá đi từng luồng đông đặc, nên khi kéo lưới, ngư phủ trúng cá nên ngạc nhiên mà “ồ” lên chăng? Khi đem thắc mắc này hỏi mấy chị hàng cá, cho đến các lão ngư xứ biển thì ai cũng lắc đầu cười cho rằng: “Thời ông bà mình kêu răng thì chừ gọi rứa…”.
Hương vị quê nhà
Cá ồ thuộc họ cá ngừ, mình tròn da trơn láng, nhỏ con nhưng thịt thơm ngon và giá rất bình dân. Trong hằng hà sa số loại cá, dường như cá ồ sinh ra để hợp kho với đậu trái.
Cá mua về chỉ cần cắt khúc vừa ăn, ướp đầy đủ mắm muối tiêu hành, dầu phụng, bắc lên kho riu riu chừng hai mươi phút cho thấm. Tiếp theo là cho đậu trái, có thể đậu đũa hay cô ve… đã sơ chế vào. Ngó chừng nước trong nồi cá rặt quá thì chế thêm vài muỗng nước sôi nguội cho đến khi đậu và cá hòa lẫn mùi vị vào nhau, xâm xấp nước là được.
Bới chén cơm trắng dẻo, chan một lớp nước cá, gắp thêm mấy cọng đậu đã thấm gia vị ngả màu nâu cánh gián cùng miếng cá lên trên cùng. Chỉ đơn giản vậy nhưng lại là món bắt cơm trong những mưa gió hay lúc giao mùa.
Có điều rất lạ, những món cá kho dưa, kho mít thường sẽ có tình trạng cá không còn giữ vị ngon như ban đầu. Nhưng trái lại, dưa, mít kho cùng lại rất ngon và đượm vị.
Tuy nhiên, cá kho đậu lại không như vậy. Cả đậu và cá tương đồng hòa vị vào nhau. Và miếng cơm trắng nóng hổi, gắp một miếng cá, kèm theo vài que đậu thấm mềm, nghe đầu lưỡi tươm vị ngọt thanh của đậu, béo bùi của cá lẩn khuất trong nhau.
Thế mới biết, ông bà mình ngày trước rất tinh tường trong cái ăn, cái uống. Mọi sự kết hợp có thể ban đầu là ngẫu nhiên, nhưng theo thời gian, trở thành một mặc định đầy xác tín cho những món ăn đậm chất Quảng. Ví như cá chuồn kho mít non, cá đối kho dưa cải, cá đồng kho lá nghệ… không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn là hương vị riêng của quê nhà, không phải nơi nào cũng có được.
Món cá kho đậu trái cũng vậy, nó nằm trong danh mục những món ăn quê kiểng gây thương nhớ của xứ Quảng. Trên bước đường thiên lý, nỗi nhớ quê hương lại cồn cào chỉ vì mùi vị của món ăn quen từ quê nhà…