Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam hướng đến dịch vụ công trực tuyến… "không đồng"

TÂM ĐAN 08/07/2024 09:15

Từ thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến bằng 50% và 80% so với mức thu phí, lệ phí quy định chung của HĐND tỉnh, dự kiến tới đây, HĐND tỉnh sẽ quy định mức thu “không đồng” đối với 13 khoản phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân.

z5058003276280_95d54b92168cb065cc9c4cc4cf892b7f.jpg
Nhân viên Bưu điện Quảng Nam hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: PV

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 24 diễn ra từ ngày 10- 12/7, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết về nội dung nêu trên.

Từ chủ trương giảm thu

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, hiện nay có 18 khoản phí và 5 khoản lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh. Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định thu đối với 17 khoản phí và 5 khoản lệ phí tại các Nghị quyết số 07/2022, Nghị quyết số 24/2023 và Nghị quyết số 18/2023.

Để khuyến khích người dân tham gia thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 quy định mức thu phí, lệ phí DVCTT bằng 50% và 80% so với mức thu phí, lệ phí quy định chung của HĐND tỉnh, gồm thu bằng 50% với 3 khoản phí, 5 khoản lệ phí và thu bằng 80% với 5 khoản phí.

Theo Sở Tài chính, trong năm 2023, tổng thu các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh và có công bố thực hiện DVCTT hơn 9,4 tỷ đồng. Trong đó, phí DVCTT gần 6 tỷ đồng và lệ phí DVTTT hơn 3,4 tỷ đồng.

Một số khoản phí, lệ phí có nguồn thu lớn như phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 3,3 tỷ đồng; lệ phí hộ tịch hơn 1,2 tỷ đồng (năm 2023)...

Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 07, UBND tỉnh cho biết, mục tiêu của việc giảm phí, lệ phí là khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện TTHC thông qua Cổng DVCTT.

Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện TTHC qua DVCTT còn nhiều hạn chế, dẫn đến chính sách giảm phí, lệ phí DVCTT chưa phát huy hết hiệu quả. Tỷ lệ nộp hồ sơ giải quyết TTHC qua DVCTT có tăng so với trước nhưng chưa cao.

Đến thu “không đồng”

Những năm qua, thực hiện các mục tiêu về cải cách hành chính, chuyển đổi số, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh giải quyết TTHC qua DVCTT.

z5609986668571_9e2fb899d76326608f1b1fae8488f535.jpg
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến trong đẩy mạnh thực hiện TTHC qua DVCTT. TRONG ẢNH: Đoàn thanh niên Tam kỳ triển khai mô hình "Công dân không viết" hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT. Ảnh: PV

Mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 102 về triển khai các nhiệm vụ CĐS năm 2024. Trong đó có mục tiêu 40% người dân trưởng thành có sử dụng DVCTT.

Việc tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào việc sử dụng DVCTT, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua DVCTT là mục tiêu đang được tỉnh, các ngành tập trung thực hiện với nhiều giải pháp khác nhau.

Cùng với nhiều giải pháp khác, chính sách miễn, giảm hoặc không thu phí, lệ phí khi tổ chức, công dân thực hiện các DVCTT được UBND tỉnh khẳng định là thiết thực, hiệu quả và cần thiết.

Theo đó, tại Tờ trình số 4792 ngày 28/6/2024 gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức thu “không đồng” (không thu) đối với 8 khoản phí và 5 khoản lệ phí khi thực hiện DVCTT. Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 07 ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh đề nghị không thu 8 khoản phí gồm: Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí đăng ký biện pháp bảo đảm; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.

Và 5 khoản lệ phí gồm: Lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí cấp giấy phép xây dựng; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí hộ tịch.

Lý giải về đề xuất trên, Sở Tài chính - cơ quan tham mưu UBND tỉnh trình nội dung này cho biết, hiện nay hầu hết tỉnh, thành phố quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT thấp hơn so với mức thu phí, lệ phí quy định chung. Riêng TP.Hà Nội quy định mức thu phí lệ, lệ phí đối với DVCTT là “không đồng”.

Đánh giá tác động của nghị quyết mới đối với thu chi ngân sách, UBND tỉnh cho biết, nguồn thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh đối với DVCTT nộp ngân sách hằng năm là không lớn so với tổng thu ngân sách tỉnh (năm 2023 thu phí, lệ phí DVCTT nộp ngân sách chỉ chiếm 0,03% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh). Do vậy, việc thực hiện mức thu phí, lệ phí “không đồng” đối với DVCTT ảnh hưởng không đáng kể đến thu ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, số kinh phí được trích lại từ nguồn thu phí DVCTT cho các cơ quan, đơn vị hằng năm là không lớn; khi thực hiện Nghị quyết thu phí, lệ phí DVCTT “không đồng”, ngân sách sẽ đảm bảo kinh phí thực hiện cung cấp DVC cho các cơ quan đơn vị.

Từ căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và tham khảo quy định tại các tỉnh, thành phố, UBND tỉnh cho biết, việc trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thu phí, lệ phí “không đồng” trong thực hiện DVCTT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là cần thiết, đúng quy định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia DVCTT, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử.

Trong quý II/2024 (tính từ ngày 15/3/2024 đến ngày 14/6/2024), toàn tỉnh tiếp nhận 113.695 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 105.344 hồ sơ mới tiếp nhận (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm 73,2%; hồ sơ trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính chiếm 26,7%) và 8.351 hồ sơ từ kỳ trước chuyển qua.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.189 DVCTT toàn trình và 578 DVC một phần. Quảng Nam đã tích hợp 1.248 DVC vào Cổng DVC quốc gia.

TÂM ĐAN