Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu tiếp tục bị phá vỡ
(QNO) - Ngày 8/7, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của châu Âu cho biết tháng 6/2024 là tháng 6 nóng nhất, khiến năm 2024 trở thành năm nóng nhất thế giới đến nay.
Nhiệt độ tăng đều đặn
Dữ liệu mới nhất của C3S nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết tự nhiên El Nino đều đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục.
Nhà nghiên cứu khoa học Zeke Hausfather tại Công ty Phân tích dữ liệu nhiệt độ đất cho khoa học khí hậu Berkeley cho hay, năm 2024 là năm ấm nhất kể từ khi các kỷ lục về nhiệt độ bề mặt toàn cầu bắt đầu vào giữa những năm 1800.
Khí hậu thay đổi gây ra những hậu quả tai hại trên thế giới vào năm 2024. Trong đó, ít nhất 1.300 người chết vì nắng nóng gay gắt trong cuộc hành hương Hajj tới Thành địa Mecca vào tháng 6 vừa qua.
"El Nino là hiện tượng xảy ra tự nhiên và luôn đến rồi đi. Chúng ta không thể ngăn chặn El Nino nhưng chúng ta có thể ngừng đốt dầu, khí đốt và than đá" - bà Zeke Hausfather nói. Phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Bất chấp những lời hứa sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu, cho đến nay, các quốc gia vẫn thất bại trong việc giảm lượng khí thải này, đẩy nhiệt độ vì thế tăng cao đều đặn trong nhiều thập kỷ.
Theo C3S, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong bất kỳ giai đoạn nào như vậy, cao hơn 1,64 độ C so với mức trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Nắng nóng bao trùm khắp các châu lục
Cục Khí tượng Hàn Quốc nói nhiệt độ trung bình tháng 6 tại nước này cao nhất kể từ khi hồ sơ thời tiết được thực hiện lần đầu tiên cách đây 52 năm.
Tương tự, nắng nóng nguy hiểm tiếp diễn trên diện rộng ở Nhật Bản. Các quan chức thời tiết Nhật Bản kêu gọi người dân cảnh giác cao độ về say nắng khi nhiệt độ tiếp tục lên tới 40 độ trên khắp các khu vực rộng lớn ở phía tây và phía đông Nhật Bản.
Campuchia ghi nhận mức nhiệt cao nhất kể từ khi lập hồ sơ nhiệt độ từ 170 năm qua. Tại Lào, nhiệt độ ngoài trời những ngày đỉnh điểm vừa qua đo được lên đến 47 độ C - mức nhiệt cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Mỹ, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao phá kỷ lục đang ảnh hưởng đến 130 triệu người, sức nóng thiêu đốt có thể cảm nhận từ Bờ Đông đến Bờ Tây, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ cho biết khu vực Baltimore kêu gọi mọi người uống nhiều nước, tránh ánh nắng mặt trời và đừng bao giờ để trẻ nhỏ và thú cưng trong xe một mình trong bất kỳ trường hợp nào.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, một đợt nắng nóng thiêu đốt đang bao trùm với nhiệt độ tăng vọt lên trên 40 độ C, gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân.