Phát hiện thêm bia ký Chăm nơi thượng nguồn Thu Bồn
Cùng văn bia Thạch Bích ở vách đá tự nhiên thuộc Hòn Kẽm Đá Dừng, trên địa bàn huyện Nông Sơn, đoàn khảo cứu vừa phát hiện thêm một bia ký Chăm nằm tại khu Hố Nhi, xã Phước Ninh.
Tảng đá khắc chữ Chăm
Trong quá trình điều tra, khảo sát các di tích, địa điểm khảo cổ học ở huyện Nông Sơn, đoàn công tác của Bảo tàng Quảng Nam cùng ngành văn hóa đã phỏng vấn người dân ở xã Ninh Phước về những vết tích văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa trong khu vực. Người dân đã kể về một tảng đá khắc chữ người Chăm, nằm tại khu vực Hố Nhi.
Hố Nhi là khu đồi núi thuộc địa phận thôn Mậu Long (trước đây là thôn 1), xã Ninh Phước. Đường đi vào núi là con đường mòn người dân dùng để đến khu vực trồng keo, khai thác ong và những sản vật núi rừng. Con đường băng rừng, phải lội bộ, men theo con suối nhỏ, xung quanh có nhiều khối đá núi lửa lớn và những hang đá nhỏ.
Cũng theo người dân địa phương, trước đây, phiến đá có khắc chữ Chăm ở Hố Nhi được họ tình cờ phát hiện khi nghỉ ngơi ở núi. Do tảng đá bằng phẳng, lại ở gần con suối nhỏ nên người dân thường ngồi ở khu vực này để ăn uống, nghỉ trưa trong khi đi rừng.
Khi chúng tôi tìm thấy, trên bề mặt phiến đá phủ đầy cây dại và lá mục. Sau khi làm sạch mặt bằng, lộ ra đây là một phiến đá núi lửa hạt khá thô với nhiều kích cỡ khác nhau.
Tọa độ địa điểm phát hiện là 15.672043 vĩ độ Bắc, 108.051582 kinh độ Đông, cách bia chăm Thạch Bích 7,3km về hướng Đông Bắc, cách Khu đền tháp Mỹ Sơn 12,5km về hướng Tây Nam.
Toàn bộ bề mặt đá bị phong hóa và phủ kín rêu xanh. Kích thước phiến đá khoảng 10m2. Ở phần đỉnh phiến đá có khắc những chữ Chăm cổ gồm có 6 hàng chữ, mỗi hàng khoảng 10cm. Do quá trình mài mòn tự nhiên nên các chữ không còn rõ nét. Tuy nhiên, theo tham vấn từ một số chuyên gia nghiên cứu chữ Chăm cổ thì những chữ khắc trên bia phổ biến có niên đại khoảng thế kỷ 9-11.
Chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu các tư liệu bia ký Champa đã thống kê trước đây thì hoàn toàn chưa có thông tin về tấm bia này. Cũng rất ít người dân địa phương biết được vị trí chính xác của tấm bia, vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là bia ký mới được phát hiện tại Quảng Nam. Tên tấm bia này chúng tôi gọi theo tên mà những người dân địa phương gọi vị trí phát hiện bia.
Vết dấu văn hóa Chăm
Từ đầu thế kỷ 20, các học giả Pháp đã phát hiện bia ký khắc trên đá tự nhiên, trên những khối văn bia hay những cấu kiện kiến trúc, tượng hay phù điêu tại các khu đền tháp ở nhiều địa điểm của Quảng Nam như: Chiêm Sơn, Hòn Cụp, Mỹ Sơn, Hương Quế, Dưỡng Mông, Đồng Dương, Phú Thuận, An Thái...
Riêng ở huyện Nông Sơn, tuy trước đây chưa từng phát hiện các kiến trúc Chăm nhưng đã phát hiện văn bia Thạch Bích trên vách đá tự nhiên ở Hòn Kẽm Đá Dừng - thượng nguồn của sông Thu Bồn.
Cũng tại địa phương này, tuy chưa phát hiện những bằng chứng rõ ràng về các kiến trúc Chăm, tuy nhiên cũng có nhiều câu chuyện kể cho thấy người Chăm đã khai phá vùng đất này từ rất sớm.
Câu chuyện về Bà Thu Bồn - hay được gọi là Bô Bô Phu nhân, một nữ tướng người Chăm, tài sắc vẹn toàn đã chọn vùng đất thôn Trung An (xã Quế Trung) làm căn cứ đóng quân khi xưa.
Tại đây, cùng với việc luyện binh, bà còn cho quân lính tổ chức sản xuất, dạy cho dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, dạy dân cách dùng thảo dược để chữa bệnh.
Hiện nay niên đại xây dựng dinh Bà Thu Bồn chưa được xác định. Và cũng có thể dinh được dựng trên nền móng của một công trình kiến trúc Champa xưa cũ.
Năm 1908, tham tá người Pháp của tòa Công sứ Hội An phát hiện minh văn Thạch Bích tại Hòn Kẽm Đá Dừng (xã Quế Lâm). Văn bia gồm hai dòng chữ, được các nhà nghiên cứu khảo cổ cho rằng được khắc vào thế kỷ thứ 7, cùng với các niên đại xây dựng Khu đền tháp Mỹ Sơn, tạm dịch là: “Hoàng đế Parkàcdhama vua nước Champa vinh quang muôn năm chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này”.
Gành đá nơi khắc những chữ ngoằn ngoèo như lá bùa được người dân địa phương đặt tên là gành Đá Bùa. Minh văn này thường bị chìm dưới nước, hàng năm vào rằm tháng 8, khi nước sông rút cạn thì hàng chữ này mới lộ ra.
Do người Chăm không có truyền thống viết sử theo biên niên nên mọi hoạt động đều được khắc lại trên bia để nhắc nhở cho đời sau. Bi ký trên đá tự nhiên như bia ký Hố Nhi, Thạch Bích, Hòn Cụp… có thể được khắc không chỉ là mốc đánh dấu cương vực của một tiểu quốc trong giai đoạn lịch sử mà còn là mốc phương hướng của các thần bảo hộ vùng đất đó.
Do vậy, bia Hố Nhi là phát hiện quan trọng về di tích Chăm trên đất Nông Sơn và là một trong những nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa của vương quốc Champa. Bia Hố Nhi góp phần đánh dấu ở khoảng thế kỷ 9 – 11 đã có cư dân Champa đến vùng đất núi rừng hoang vắng này.
Cần bảo vệ chờ giải mã
Bi ký trên đá tự nhiên có thể không chỉ là mốc cương vực của một tiểu quốc trong giai đoạn lịch sử mà còn là mốc phương hướng của các thần bảo hộ vùng đất đó. Bia Hố Nhi có thể cũng được khắc theo những mục đích vậy.
Bia Hố Nhi được xác định là một di tích độc đáo có lịch sử hàng ngàn năm. Tuy nhiên, hiện bia nằm sâu ở trong rừng, việc tiếp cận để nghiên cứu và bảo vệ khá khó khăn.
Trải qua thời gian dài, tấm bia thường xuyên bị mưa gió, cỏ cây, dây lá mọc che phủ, bên cạnh việc sinh hoạt của người dân trên tảng đá cũng khiến bia ngày càng bị mòn nét chữ. Bia lại được khắc từ đá núi lửa, có bề mặt không đều nên rất khó trong việc dập, dịch và giải mã.
Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, dịch, dập và bảo vệ di tích này là nhiệm vụ không chỉ của người dân Nông Sơn mà là nhiệm vụ chung của ngành văn hóa. Hiện hình ảnh tư liệu về văn bia này đã được gửi cho một số chuyên gia về ngôn ngữ Chăm, tuy nhiên rất khó đọc hết do nhiều nét chữ đã bị mờ. Hy vọng sắp tới sẽ có những công bố thêm về nội dung văn khắc ở bản bia này.