Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
(QNO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn vừa ký ban hành Công văn số 5046 yêu cầu các sở ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn Quảng Nam năm 2024.
Theo đó, đối với UBND cấp huyện, UBND tỉnh đề nghị tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều năm 2024. Khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp để tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị sử dụng vốn được UBND cấp huyện phân bổ lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, tiểu dự án trong chương trình và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Trong đó, ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 - 2023 kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện; phấn đấu cuối tháng 8/2024 giải ngân hết vốn kéo dài của năm 2022 - 2023, cuối tháng 12/2024 giải ngân hết kế hoạch vốn của năm 2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương (huyện, xã) thực hiện từng dự án, tiểu dự án không thấp hơn mức tối thiểu quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 22 (ngày 20/7/2022) của HĐND tỉnh, khuyến khích địa phương bố trí cao hơn mức tối thiểu quy định nêu trên từ ngân sách địa phương; tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh phân bổ và địa phương đối ứng để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình trên địa bàn, đảm bảo các dự án của chương trình đều được bố trí đủ vốn theo cam kết và không để phát sinh nợ khi kết thúc chương trình.
UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thực chất, khách quan, công bằng và theo đúng quy định. Bảo đảm kết quả giảm nghèo hằng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch giao.
Đối với các huyện nghèo, ngoài việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm; riêng đối với huyện Phước Sơn và Bắc Trà My cần phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020 để hoàn thành mục tiêu huyện thoát nghèo vào cuối năm 2025.
Đối với các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh yêu cầu căn cứ mục tiêu, tính chất, các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn vốn được phân bổ để lập kế hoạch giải ngân chi tiết (xác định rõ lộ trình thời gian hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục; đấu thầu; thi công; nghiệm thu). Qua đó, tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tuần, tháng, quý. Trong đó, ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 - 2023 kéo dài sang năm 2024 tiếp tục thực hiện; phấn đấu cuối tháng 8/2024 giải ngân hết vốn kéo dài của năm 2022 - 2023, cuối tháng 12/2024 giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024.
Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình theo đúng Kế hoạch số 1794 (ngày 14/3/2024) của UBND tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo và từng thành viên ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, nhất là trong việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát theo địa bàn được phân công để kịp thời hướng dẫn các địa phương, cơ sở trong việc giúp đỡ các hộ nghèo, hộ đăng ký thoát nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo hiệu quả và thoát nghèo bền vững.
Tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo trong chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ hằng năm, đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, đối tượng theo quy định...