Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam: Vì sao phải điều chỉnh chủ trương đầu tư? Bài cuối: Cần thiết để phù hợp thực tế
Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam sẽ không thể hoàn thành theo chủ trương đầu tư đã duyệt; chính quyền Quảng Nam buộc phải trình HĐND tỉnh điều chỉnh. Liệu điều này có hợp lý để được chấp thuận hay không?
Điều chỉnh phù hợp thực tế
Sự chậm trễ của Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam theo công bố của chủ đầu tư là bất khả kháng. Tuy nhiên, theo mục tiêu ban đầu của dự án là hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.
Kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Cảng Kỳ Hà, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương “Kết nối ASEAN”. Phát triển công nghiệp trên cơ sở hợp lý hóa việc sử dụng đất và giảm chi phí đi lại...
Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ ra những “bất hợp lý” của việc triển khai dự án này trên thực tế, buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Cụ thể, việc phát sinh xây dựng các điểm tái định cư, phát sinh diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo chủ trương của UBND tỉnh dẫn đến chi phí dự án tăng lớn (tăng chi phí bồi thường, GPMB và tăng chi phí xây dựng do trượt giá), vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Kéo theo đó, không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện bồi thường, GPMB toàn bộ dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư 34,5 triệu USD, tương đương hơn 768 tỷ đồng thực hiện các chi phí xây dựng, tư vấn thiết kể bản vẽ thi công, tư vấn giám sát, chi phí dự phòng và phí dịch vụ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng 9,04 triệu USD, tương đương hơn 201,2 tỷ đồng thực hiện các chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, bồi thường GPMB, thuế và phí.
Chi phí bồi thường, GPMB theo chủ trương đầu tư ban đầu tạm tính gần 125,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm, các khoản mục chi phí bồi thường, GPMB đều đã thay đổi và tăng giá quá nhiều.
Tổng nhu cầu thực hiện bồi thường, GPMB dự án theo đề nghị của UBND các huyện là 339,2 tỷ đồng, vượt hơn 213,7 tỷ đồng so tạm tính. Không chỉ số lượng hộ dân bị ảnh hưởng trên thực tế đã tăng từ 1.586 hộ (51 hộ giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư) lên 1.640 hộ (giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư khoảng 90 hộ) thì chi phí bồi thường, GPMB cũng tăng khi chiều rộng nền đường qua huyện Thăng Bình từ 12m lên đến 34m.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã thống nhất bố trí nguồn vốn từ chi phí bồi thường, GPMB của dự án để đầu tư thêm các khu, điểm tái định cư phục vụ GPMB. UBND các huyện đang đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, GPMB, nhưng chi phí tăng vượt tổng mức đầu tư nên chưa có cơ sở thực hiện cho phần còn lại, phát sinh, ảnh hưởng đến tiến độ và làm gián đoạn một số công việc thực hiện dự án.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, gói thầu thi công xây dựng tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành tháng 12/2025. Trong khi đó, thời gian thực hiện theo chủ trương đầu tư được duyệt là tháng 10/2024 sẽ kết thúc.
Vì vậy, không thể đảm bảo thời gian để thi công xây dựng hoàn thành hạng mục giao thông của dự án. Gói thầu thi công xây dựng hạng mục điện chiếu sáng đã được phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán ngày 15/9/2021, nhưng chưa lựa chọn nhà thầu thi công (trượt giá làm vượt tổng mức đầu tư dự án). Chủ đầu tư cần cập nhật lại giá thời điểm hiện tại mới có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng.
Tiền đâu bù đắp?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay dự án đã được lập, phê duyệt từ năm 2017, nên tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện dự án không còn phù hợp. Chi phí bồi thường, GPMB tăng cao, gây khó khăn cho việc cân đối nguồn vốn của dự án.
UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho chủ đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục, báo cáo trình cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư.
“Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thực sự cần thiết. Việc điều chỉnh này để bảo đảm triển khai các hạng mục còn lại của dự án, có đủ thời gian thi công hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán công trình, đáp ứng được mục tiêu, quy mô, hiệu quả của một dự án kết nối liên vùng” - ông Bửu nói.
Theo tính toán, nếu chấp thuận điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án từ 768 tỷ đồng sẽ gia tăng hơn 291,7 tỷ đồng để đạt mức 47,6 triệu USD sau điều chỉnh (tương đương 1.059,8 tỷ đồng). Vốn từ EDCF không thay đổi, nhưng vốn đối ứng ngân sách sẽ khoảng 492,9 tỷ đồng, thay vì 201,2 tỷ đồng như trước đây.
Có thể thấy ngay đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2020 - 2024 lên 2020 - 2026 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều chỉnh thời gian bố trí kế hoạch vốn đến năm 2026 kèm theo tổng mức đầu tư tăng đến gần 300 tỷ đồng thì tiền đâu để bù đắp khoản phát sinh này, khi nguồn lực ngân sách địa phương đang ngày càng suy giảm?
Theo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam là một trong những dự án trọng điểm, đã được Ban Chỉ đạo bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm 2021 - 2025 và do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, cần phải hoàn thành đúng tiến độ để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo ban Cán sự đảng UBND tỉnh, việc UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nguồn đối ứng vốn ngân sách tỉnh và điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam để đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện các bước tiếp theo nhằm đáp ứng mục tiêu dự án và hiệu quả sử dụng khoản vay.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, HĐND tỉnh chuẩn y, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh sẽ giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp chủ đầu tư rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền điều chuyển nguồn vốn đối ứng các dự án ODA khác không sử dụng hết trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bổ sung cho Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư hoàn thành dự án.
Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam vay vốn EDCF - Hàn Quốc có tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt ban đầu là 34,51 triệu USD (tương đương 768 tỷ đồng). Vốn ODA gần 25,47 triệu USD (tương đương 566,8 tỷ đồng) do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF).
Vốn đối ứng ngân sách 9,04 triệu USD. Nếu điều chỉnh sẽ tăng tổng mức đầu tư của dự án lên 47,62 triệu USD, tương đương 1.059,8 tỷ đồng (tăng 13,11 triệu USD, tương đương 291,7 tỷ đồng). Vốn EDCF không đổi, nhưng vốn đối ứng sẽ tăng lên 22,15 triệu USD (tương đương 492,9 tỷ đồng).
Dự án đã ký hợp đồng vay số VNM - 60 ngày 31/8/2020 và có hiệu lực từ ngày 28/10/2020. Thời gian thực hiện 4 năm, tính từ khi Hiệp định vay vốn của dự án có hiệu lực (dự kiến từ năm 2020 đến năm 2024).
Kế hoạch vốn đã bố trí giai đoạn 2021 - 2024 gần 371,4 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt 53% (198,5 tỷ đồng).