Quảng Nam có 167 trường học "rớt" chuẩn quốc gia
(QNO) - Số trường đạt chuẩn quốc gia giảm, tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bỏ học giữa chừng đáng báo động, là những vấn đề được nêu ra khi báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 573/725 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79%. Trong đó, mầm non có 186 trường (tỷ lệ 82,3%); tiểu học 198 trường (tỷ lệ 87,2%); THCS 166 trường (tỷ lệ 76,1%) và THPT 23 trường, tỷ lệ 42,6%.
Tuy nhiên, theo Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, qua rà soát đến nay chỉ còn 406/725 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56% (giảm 167 trường); trong đó, các huyện miền núi chỉ có 84/199 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 42,21%. Nguyên nhân là do các trường đã được công nhận (sau chu kỳ 5 năm) hết hiệu lực nhưng chưa được đầu tư về cơ sở vật chất đủ chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, công nhận lại.
Theo đó, tại báo cáo thẩm tra, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các địa phương rà soát tiêu chí trường chuẩn đối với 167 trường học đã hết hiệu lực công nhận để có giải pháp đầu tư, duy trì và xây dựng các tiêu chí đảm bảo công nhận lại trường đạt chuẩn theo quy định.
Cùng với đó, tập trung rà soát, đánh giá cụ thể số lượng các trường mầm non, phổ thông không đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để đề xuất giải pháp đầu tư nhằm góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết số 11 ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy. Đồng thời rà soát, xem xét điều chỉnh Quyết định số 2428 ngày 4/9/2020 về phê duyệt Đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tiễn.
Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng lộ trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên (nhất là đối với các địa phương thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới), tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép các chương trình để đầu tư hằng năm và đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của tỉnh.
Liên quan lĩnh vực giáo dục, theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bỏ học giữa chừng đáng báo động. Đến cuối năm học 2023 - 2024 có 406 em bỏ học (tiểu học 3; THCS 151; THPT 241, Phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc 12); đặc biệt là bậc học THPT chiếm tỷ lệ rất lớn với 241 trường hợp. Đây là những vấn đề trăn trở đối với các cấp, các ngành.
“Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá toàn diện về công tác giáo dục, các chế độ, chính sách và nguyên nhân bỏ học của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chỉ đạo quyết liệt xây dựng các giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng dạy và học, tạo mọi điều kiện để học sinh trong độ tuổi thuận lợi đến lớp, đến trường” - ông Đinh Văn Hươm, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị.