Xã hội

Công an Thăng Bình triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023

ĐÌNH HIỆP 11/07/2024 10:32

(QNO) - Những ngày đầu triển khai khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 tại huyện Thăng Bình, các quy trình làm thủ tục cấp Căn cước cho người dân được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ.

rao 02 Căn cước đầu tiên cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: SINH HIỆP
Trung tá Võ Văn Thuyết trao 2 Căn cước đầu tiên cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: SINH HIỆP

Trung tá Võ Văn Thuyết - Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Thăng Bình cho biết, từ ngày 1/7 đến ngày 9/7/2024, Công an Thăng Bình đã thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho 432 trường hợp. Trong đó, có 3 trường hợp là công dân dưới 6 tuổi và 13 trường hợp từ 6 đến 14 tuổi.

Theo Trung tá Võ Văn Thuyết, theo luật mới, đối tượng được thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước được mở rộng đối với nhóm người dưới 6 tuổi và nhóm người từ 6 đến dưới 14 tuổi. Với người dưới 6 tuổi, để cấp cho các trường hợp này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh điện tử. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

“Hiện chúng tôi làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy, hôm nào đông người thì huy động thêm anh em hỗ trợ. Mỗi ngày có từ 3 đến 4 đồng chí tham gia làm. Chúng tôi ưu tiên cho người già, người khuyết tật và trẻ em làm trước" - Trung tá Thuyết nói.

z5619849218186_d92fa0587a45aeaf8238d46bed35cad1.jpg
Công dân từ 18 tuổi trở lên khi làm thẻ Căn cước sẽ bắt buộc thu thập dữ liệu mống mắt. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Anh Trần Quang Lại (xã Bình Quý) chia sẻ: "Ngày đầu tiên đi làm thẻ Căn cước mình thấy đơn giản, thuận tiện. Mấy anh công an tận tình, vui vẻ giải quyết rất nhanh thủ tục. Việc tích hợp thêm các thông tin sinh trắc học như thế này cũng sẽ giúp người dân như mình thuận tiện hơn khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan sau này như đất đai, thừa kế…".

Còn bà Trần Thị Minh (thị trấn Hà Lam) cho hay, năm nay bà đã 94 tuổi, được con trai chở đến trụ sở Công an huyện làm thẻ Căn cước rất nhanh và gọn. Theo bà, quyền lợi công dân phải có thẻ Căn cước vì thuận tiện đủ đường, nhất là liên quan nhiều thủ tục giấy tờ khác sau này cho con, cho cháu cũng như việc nhận tiền chế độ của mình.

Thượng tá Võ Văn Hiếu - Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết, thẻ Căn cước có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân. Với công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ Căn cước (trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước). Ngoài thông tin sinh trắc học bắt buộc về khuôn mặt và vân tay, cơ quan công an sẽ thu nhận thêm thông tin về mống mắt với người dân khi đi làm thẻ Căn cước.

Cũng theo anh Hiếu, việc thu thập sinh trắc học như mống mắt áp dụng với những ai đến làm thẻ Căn cước mới. Với những trường hợp sử dụng Căn cước công dân gắn chip như hiện tại vẫn sử dụng bình thường, chỉ cập nhật những dữ liệu này khi bản thân có nhu cầu.

Chị Lê Ngọc Mỹ Trinh (xã Bình Lãnh) bảo, người dân làm thủ tục cấp thẻ được bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như đảm bảo các yếu tố về an toàn sức khỏe. Mọi thủ tục đơn giản, diễn ra nhanh gọn, không tốn nhiều thời gian.

z5619849231395_653e7d67a9822a66bb699751b61c0e58.jpg
Công an huyện Thăng Bình làm việc luôn ngày thứ Bảy để phục vụ người dân đến làm thẻ Căn cước. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Cùng với cả nước, những ngày qua, Công an huyện Thăng Bình đã đồng loạt tăng cường lực lượng triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước. Những ngày đầu áp dụng Luật Căn cước mới, nhu cầu người dân tăng cao, do vậy ngoài việc phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện và 22 xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, Công an huyện Thăng Bình chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phân ca cán bộ, chiến sĩ phục vụ nhu cầu cấp Căn cước cho người dân, không để tình trạng người dân phải chờ lâu…

Đến nay, Công an huyện Thăng Bình đã thu nhận và làm được hơn 149.821 Căn cước công dân; hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID (mức độ 2) cho trên 86.729 lượt người.

ĐÌNH HIỆP