Cấp thiết phát triển nguồn lợi hải sản
Trước thực trạng nguồn lợi hải sản đang suy kiệt, Quảng Nam triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững.
Hiến kế của các chuyên gia
Mới đây, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành.
TS. Phạm Quốc Huy - Phân viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản phía nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua khảo sát, đánh giá, hiện nay trữ lượng nguồn lợi hải sản giảm mạnh; chất lượng nguồn lợi cũng giảm.
Nhiều loài hải sản hiện bắt gặp với tần suất thấp, thậm chí không còn bắt gặp ở các vùng biển, do sản lượng khai thác đã vượt khả năng cho phép.
Áp lực khai thác rất cao trên nhiều vùng biển Việt Nam. Ngay sau mùa sinh sản, hoạt động khai thác hải sản xâm hại các bãi đẻ, bãi giống, cá con khó có cơ hội được sinh sôi, phát triển và trưởng thành...
Theo TS. Phạm Quốc Huy, mùa sinh sản chính của các nhóm hải sản diễn ra từ tháng 3 - 5, mùa sinh sản phụ ở tháng 8 - 9. Quảng Nam cần khẩn trương điều tra nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là ở vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Ngành thủy sản tỉnh cần xác định bãi đẻ, bãi giống, mùa đẻ cụ thể của từng nhóm hải sản. Trên cơ sở đó xây dựng các khu vực bảo vệ nguồn giống hải sản để có thể bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi này.
“Ngành thủy sản cần làm ngay là xác định hạn ngạch khai thác và số lượng tàu cá theo nghề. Cần đánh giá rủi ro sinh thái cho các nhóm nghề. Xác lập căn cứ khoa học để sắp xếp lại cơ cấu đội tàu phù hợp hơn, giảm cường độ khai thác” - ông Huy nói.
PGS-TS. Nguyễn Trọng Lương - Viện trưởng Viện KH&CN khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, xây dựng rạn nhân tạo trên thế giới được chú trọng từ rất lâu.
Đến những năm 1970, rạn nhân tạo phát triển mạnh ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thực tế các rạn nhân tạo được thiết lập ở vùng biển ven bờ cho thấy sinh cảnh phục hồi nhanh; hạn chế ngư cụ xâm hại; thu hút nguồn lợi hải sản đa loài đến sinh sống...
“Với chức năng là khu phục hồi, nơi sinh cư cho hải sản, Quảng Nam cần áp dụng các rạn nhân tạo để hạn chế tác động của ngư cụ gây hại môi trường, nguồn lợi hải sản. Qua đó tăng năng suất đánh bắt, cải thiện thu nhập cho cộng đồng và góp phần thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững” - PGS-TS. Nguyễn Trọng Lương nói.
Chiến lược của Quảng Nam
Quảng Nam có bờ biển dài hơn 125km, phía đông bắc có cụm đảo Cù Lao Chàm, phía nam là khu vực Tam Hải - An Hòa phân bố các rạn san hô lớn, đa dạng sinh học phong phú và là nơi sinh trưởng, sinh sản của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cùng với phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành thủy sản có tốc độ tăng bình quân giá trị đạt 3,57%/năm, chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên sinh vật biển đứng trước nguy cơ suy giảm do phải chịu nhiều tác động từ các hoạt động kinh tế và mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi.
Ông Phạm Viết Tích cho biết, trước nguy cơ đó, Quảng Nam có chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản. Trước mắt là điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Từ nay đến năm 2030, phấn đấu trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng lộng, vùng bờ được phục hồi và tăng ít nhất 5%. Tỉnh hình thành các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản ở Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành).
Đồng thời tổ chức thực hiện mô hình đồng quản lý nguồn lợi hải sản tại các khu vực bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi hải sản, khu bảo tồn đất ngập nước. Các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm sẽ được nhận diện, xác lập hồ sơ theo dõi, đề xuất giải pháp nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hằng năm ngành thủy sản đều thả tôm, cá các loại ở các khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) và Cửa Lở (Núi Thành).
Đồng thời phối hợp với các địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ nguồn lợi hải sản; tuân thủ quy định pháp luật trong đánh bắt hải sản...
“Chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác hải sản, qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng về nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững” - ông Long nói.