Trị liệu "bệnh đô thị"?
Hơn 20% dân số ở đô thị có khả năng mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần. Cuộc sống đô thị và sức khỏe tâm thần thật ra lại có mối liên quan khá khắng khít.
Không chỉ có bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra các bệnh hen suyễn ở trẻ em, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh ung thư khác nhau, cũng đang tăng dần tỷ lệ mắc với cư dân đô thị. Người ta gọi chung đây là “bệnh đô thị”.
Vậy bệnh đô thị là gì? Đây là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ các vấn đề sức khỏe của cộng đồng liên quan đến các thành phố hoặc khu đô thị. Và thường là những vấn đề gặp phải do ảnh hưởng của môi trường sống đô thị đối với sức khỏe con người.
Từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, hay kể cả căn bệnh đau lưng do vận động ít, bệnh stress, bệnh mỡ máu cao do chế độ ăn uống không lành mạnh và nhiều vấn đề khác.
Các nhà tâm lý học, xã hội học nhận định, bệnh đô thị là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại với sự tăng lên của số lượng dân số sống trong các thành phố lớn.
Rối loạn sức khỏe tâm thần là bệnh lý phổ biến nhất đối với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Số người mắc các chứng về tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn.
Thống kê từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tỷ lệ của các rối loạn tâm thần khác nhau thay đổi theo giới tính và tuổi tác. Ở cả nam và nữ, rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm là phổ biến nhất.
Mối liên hệ giữa môi trường sống và sức khỏe tâm thần thật ra khá khắng khít. Con người dễ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc khi sống ở các không gian bức bối.
Người trẻ ở đô thị được cảnh báo đang có nhiều biểu hiện của các chứng bệnh tâm thần hiện đại vì phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, thiếu môi trường giao lưu, vận động cũng như các áp lực từ cuộc sống.
Trẻ em thiếu các sân chơi ngoài trời, lạm dụng thiết bị công nghệ, internet. Áp lực từ học hành cũng là lý do gia tăng tỷ lệ trẻ có các biểu hiện của rối loạn cảm xúc hay tâm thần hiện đại.
Thiếu sự gắn kết với cộng đồng đến stress do môi trường sống với các không gian thiếu ánh sáng hay cây xanh, là những lý do khách quan góp phần đẩy cảm xúc con người rơi vào trạng thái tiêu cực.
“Bệnh đô thị” thật ra chính là tích tụ của những hệ quả phát triển quá nhanh của một vùng đất, khi không dự lường được những tác động của các chính sách phát triển công nghiệp, đô thị. Đó cũng là quy luật khắc nghiệt của phát triển, khi lựa chọn đi lên tất yếu bằng công nghiệp hóa hay đô thị hóa.
Hiện tại, chỉ có thể trông đợi vào những kiến tạo thành phố cho thế hệ sau này, với các quy hoạch lẫn thiết kế đô thị nương tựa vào tự nhiên và đặt giá trị con người lên trên hết.