Ra phố xem hát tuồng...
Trong rộn rã của thanh âm, ánh sáng, của tiếng trống chầu ngắt nhịp, những khán giả là người có công cách mạng từ xứ Quảng lần đầu tiên trải nghiệm vào nhà hát xem tuồng...
Lần đầu vào nhà hát xem tuồng
Bà Ngô Thị Chiến ở khối phố Thanh Chiếm, phường Thanh Hà (TP.Hội An) chăm chú lắng nghe từng lời hát, thoại, thỉnh thoảng đưa tay lên lau nước mắt.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP.Đà Nẵng) đang diễn trích đoạn “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Đến cảnh vợ chồng nhân vật chính đoàn viên bà không kìm được xúc động. Ký ức một thời tuổi trẻ như ùa về giữa tiếng trống chầu rộn rã.
Hồi kháng chiến chống Mỹ, bà Chiến ở Sư đoàn 2, đến năm 1971 nhập vào Sư đoàn 3 chiến đấu khắp vùng Khu 5. Sau những trận đánh, đơn vị tập trung học tập chính trị và xem văn nghệ, hát múa dân ca bài chòi…; trong đó có vở tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn”.
“Vở này do Đoàn văn công Liên khu 5 ra miền Bắc tập rồi về diễn lại cho bộ đội, ai coi cũng khóc. Sau này tôi cũng xem lại vài lần trên ti vi nhưng đây là lần đầu tiên được ngồi xem trong nhà hát” - bà Chiến kể.
Kết thúc trích đoạn tuồng, sân khấu chuyển sang tiết mục múa Chăm với tạo hình vũ nữ Apsara. Ông Đinh Tùng Lâm ở xã La Dêê (huyện Nam Giang) cẩn thận quay lại toàn bộ buổi biểu diễn để về khoe với con cháu.
Ông Lâm chia sẻ: “Thời chiến, tôi hoạt động nội thành Đà Nẵng, nay được xem nghệ thuật giữa lòng thành phố năm xưa với xúc cảm đặc biệt”.
Bà Chiến, ông Lâm nằm trong số 142 người có công cách mạng được Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam đưa ra Đà Nẵng xem tuồng và hát múa dân gian đợt này.
Hoạt động nằm trong chương trình an dưỡng do Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam phối hợp Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức. Theo đó, mỗi sáng thứ Tư hàng tuần, Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam thuê xe đưa các cụ ra Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xem tuồng.
Ông Lê Lưỡng - Chủ tịch Hội Cựu tù yêu nước xã Cẩm Hà (TP.Hội An), thành viên đoàn chia sẻ, chương trình nghệ thuật rất hay, ý nghĩa, phù hợp với người già thường thích những giá trị truyền thống. Đặc biệt, ông rất vui khi có dịp gặp lại đồng đội, đồng chí năm xưa.
Tri ân từ chương trình nghệ thuật
Chính thức triển khai từ tháng 3/2024, chương trình đưa người có công đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xem nghệ thuật trong thời gian an dưỡng trở thành một trong những hoạt động mang tính nhân văn cao. Đến nay, hơn 10 đoàn với khoảng 1.200 lượt người có công đã được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục vụ.
Ông Phan Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam cho biết, trong chương trình an dưỡng dành cho những người có công cách mạng (kéo dài 5 ngày) có một phần hoạt động dành cho dã ngoại và xem biểu diễn nghệ thuật.
Trước đây, trung tâm đã phối hợp với một đơn vị ở TP.Hội An tổ chức biểu diễn phục vụ người có công. Nhưng từ đầu năm, trung tâm đã đặt vấn đề với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng chương trình riêng nhằm mang đến điều mới mẻ hơn, kể cả giúp một số cụ có cơ hội ra thăm TP.Đà Nẵng. Tùy số lượng danh sách người có công được Sở LĐ-TB&XH phê duyệt, trung tâm sẽ phối hợp địa phương tổ chức đi xem, bình quân mỗi đợt 120 - 140 người.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, đây là sô diễn phục vụ riêng cho Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam nên được xây dựng kỹ càng. Tất cả tiết mục biểu diễn đều được hai đơn vị chọn lựa, bàn duyệt trước khi tiến hành tổ chức.
Nội dung chủ yếu xoay quanh các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát dân ca bài chòi, hòa tấu, độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc; biểu diễn các điệu múa dân gian vùng miền, đặc biệt diễn trích đoạn tuồng… Sau thời gian trình diễn phục vụ, hiệu ứng phản hồi từ đa số khán giả người có công rất tốt.
“Việc tổ chức cho đoàn người có công Quảng Nam ra xem các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hết sức ý nghĩa. Chúng tôi luôn quan niệm phục vụ cho người có công là việc nên làm và cần phải làm nhiều hơn nữa.
Trên tinh thần đó, nhà hát luôn chỉ đạo anh em diễn viên phải thường xuyên ý thức việc này, ngay cả trong thái độ tiếp xúc, đón tiếp, đặc biệt là chất lượng nghệ thuật phải tốt nhất nhằm mang đến sự hài lòng nhất cho các cụ” - ông Trần ngọc Tuấn nói.