Lê Ngọc Thảo: Bảo tồn biển, phải từ thượng nguồn đến đại dương
Hơn 15 năm, ông gắn bó với câu chuyện bảo tồn biển. Từng dự án ở vùng đảo Cù Lao Chàm, là từng câu chuyện mà ông có thể tường tận đến chi tiết nhỏ nhất.
Ông là Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An). Bảo tồn biển là lĩnh vực mà hiệu quả, tác động và ý nghĩa đâu thể định lượng ngay hiện tại, như lời ông Thảo nói, nên cần phải nhìn lại cả hành trình.
Tự “mệnh lệnh” bản thân
Lê Ngọc Thảo sinh năm 1973, tại Cẩm Châu, Hội An. Từ năm 1998, anh công tác trong ngành nông nghiệp, phụ trách mảng thủy sản. Đến năm 2008, anh chuyển sang địa hạt bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An).
Tròn 15 năm Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thì cũng từng ấy thời gian, dấu ấn của Lê Ngọc Thảo hiện rõ với vùng đảo này.
Từ chú trọng liên kết, lôi kéo sự tham gia của các bên liên quan trong chỉnh thể “4 nhà” - tức nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và người dân, câu chuyện bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm đã trở nên đặc biệt.
Năm 2014, ông Lê Ngọc Thảo được bầu chọn là Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Những bước chân của người đàn ông này dày dặn hơn với vùng cù lao.
Từ chuyện người dân Cù Lao Chàm trước đây tự phát khai thác cua đá và bán được chăng hay chớ cho những ai có nhu cầu, Lê Ngọc Thảo tự “mệnh lệnh” bản thân phải làm mọi việc để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân bản địa về tài nguyên họ đang sở hữu.
Không chỉ tuyên truyền, vận động, ông Thảo đã cùng các cơ quan chức năng triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”.
Cua đá khi khai thác phải đảm bảo kích thước, sản phẩm bán ra thị trường phải có nhãn. Người bán cua đá không có nhãn bị phạt, cua đá được thu hồi trả về tự nhiên.
Dự án triển khai thành công, không chỉ bảo vệ tài nguyên quý, với mỗi con cua đá dán nhãn Cù Lao Chàm bán ra, người dân thu được giá trị kinh tế lớn hơn nhiều so với cua đá Lý Sơn hay các nơi khác.
“Cua đá là tài sản của địa phương nhưng mang giá trị và ý nghĩa toàn cầu bởi đã được UNESCO công nhận. Từ chỗ cộng đồng thành công trong bảo vệ, khai thác và sinh kế từ cua đá, chúng tôi nghĩ lớn hơn là chia sẻ cho người dân quyền quản lý, bảo vệ, khai thác và sinh kế từ tài nguyên, các giá trị đặc hữu của Cù Lao Chàm” - ông Lê Ngọc Thảo nói.
Từ khi tham gia bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Lê Ngọc Thảo nói, ông luôn có một thôi thúc để làm sao tăng các chỉ số phát triển cho người dân.
Cù Lao Chàm đâu chỉ có các giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học mà còn có các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc... “Người dân Cù Lao Chàm có thể làm được việc đó” - ông Thảo quả quyết.
Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương ra đời năm 2011 trên phạm vi hơn 19km2 là mô hình đồng quản lý bảo tồn biển đầu tiên trong cả nước, đóng góp lớn cho bảo tồn biển trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Mô hình này đã luôn cho thấy hiệu quả giữa khai thác, bảo tồn bởi sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lý. Cũng từ đây, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương tiệm cận sự phát triển bền vững.
Dấu ấn trong bảo tồn biển
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có 3 vùng tiếp nối là vùng lõi ở Cù Lao Chàm, vùng đệm ở khu vực cửa sông Thu Bồn nơi tiếp giáp biển Cửa Đại và vùng chuyển tiếp là khu phố cổ Hội An.
Chính vậy, ông Thảo cho rằng, mọi hoạt động kinh tế - xã hội cần phải được chính quyền Hội An khảo sát, cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng về môi trường.
Với vai trò Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Lê Ngọc Thảo luôn tham gia phản biện các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, các dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn Hội An.
Bằng những luận cứ khoa học, ông phân tích những kỳ vọng về phát triển kinh tế nhưng khi đầu tư cần hạn chế thấp nhất tác động đến đa dạng sinh học, sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Và không thể vì đầu tư dự án mà đánh đổi bằng nguy hại cho các hệ giá trị của tự nhiên.
Khuynh hướng chủ đạo trong cách nghiên cứu, phân tích bảo tồn biển của ông là tiếp cận từ đỉnh núi đến rạn san hô: đa dạng sinh học, sinh thái biển ở Cù Lao Chàm bị tác động bởi các hoạt động ở thượng nguồn, đồng bằng và ven biển.
Với địa hình đặc trưng của Quảng Nam là trải dài từ vùng núi cao phía tây cho đến tận quần đảo Cù Lao Chàm, sự phân bố của loài, sinh cảnh tại từng vùng sẽ phản ảnh sinh động tính đa dạng sinh học lẫn các kiểu hệ sinh thái đặc trưng.
Sự tồn tại và phát triển của các loài trong bức tranh đa dạng sinh học này chính là sự liên kết sinh thái rất chặt chẽ về quần thể và quần xã sinh vật xuyên suốt từ vùng núi cao cho đến biển khơi.
Các hệ sinh thái, sinh cảnh ở các vùng khác nhau nhưng có sự tác động và ảnh hưởng nhau thông qua lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đây chính là không gian cho sự trao đổi vật chất, sinh vật giữa đất liền và đại dương theo cơ chế dòng chảy, thủy triều.
Ông Thảo đưa ra một ví dụ sinh động, chính là trong không gian hẹp của lưu vực từ Cửa Đại đến quần đảo Cù Lao Chàm, nhiều loài thủy sản như cá mú, cá dìa, cá hồng, bạc, thành thục và đẻ trứng tại các rạn san hô Cù Lao Chàm.
Ấu trùng sau khi nở, được dòng chảy, thủy triều đưa vào vùng Cửa Đại - nơi có các hệ sinh thái cỏ biển, bãi triều và rừng ngập mặn bao bọc để sinh trưởng. Đến khi phát triển đủ lớn, chúng sẽ quay về vùng biển Cù Lao Chàm để sinh sống. Sẽ thế nào nếu dòng chảy, thủy triều bị thay đổi?
Lê Ngọc Thảo đau đáu, rằng mặt trái phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên lưu vực sông, biển, dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động xấu đến đa dạng sinh học Quảng Nam. Trong đó, việc xây dựng thủy điện dày đặc và khai thác khoáng sản tràn lan có ảnh hưởng tiêu cực thấy rõ.
Vì rằng, quá trình trao đổi của các dòng vật chất, sinh vật một khi xáo trộn thì tồn tại, phát triển của các loài, sinh cảnh, hệ sinh thái sẽ trái quy luật và bị loại trừ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thảo lo ngại về biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết lạ đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, ắt hẳn làm thay đổi dòng hải lưu, mực nước biển, tăng nhiệt độ kéo theo tình trạng axit hóa đại dương.
Những thay đổi này khiến đa dạng hệ sinh thái biển liên tục bị ảnh hưởng, nhất là các rạn san hô. Khi mực nước xuống thấp đến mức siêu triều cạn, những rạn san hô ngầm bị phơi ra không khí và dễ dàng bị phá hủy.
“Bằng hành động của mình, con người có thể gìn giữ hoặc phá hủy đa dạng sinh học, sinh thái biển” - ông Thảo nói.