Cuộc sống thường ngày

Ở đó không còn chốn cũ

THÀNH CÔNG 14/07/2024 09:46

Mỗi lần đi ngang cầu vượt Điện Biên Phủ, nhìn xuống phía dưới, tôi lại bắt gặp giàn hoa giấy bung nở, tím tràn cả mái nhà ngói rêu. Giàn hoa giấy của những ngày rực rỡ cuối cùng trước khi căn nhà ấy biến mất, nhường chỗ cho dự án chỉnh trang con đường lớn đi qua thành phố.

441a7659.jpg
Giàn hoa giấy nằm ngay trên vệt giải tỏa để phục vụ một dự án chỉnh trang cho thành phố. Ảnh: T.C

Ký ức thành phố

Có những thứ sẽ trở thành hoài niệm. Giàn hoa giấy rất đẹp, đủ để đánh thức cả cung đường vốn mịt mù bụi khói của xe đường dài. Con đường đã mở đến sát vách nhà, trơ trọi lại giàn hoa giấy giữa vạch dài xe ủi, xe lu đã lèn chặt đất từ hai phía. Nó, hẳn sẽ không còn tồn tại lâu nữa, trong cơn chuyển động của thành phố cùng giấc mơ đô thị loại I.

Những người đi khỏi thành phố chừng mươi năm, ngày về lại hẳn đôi lúc ngơ ngác xa lạ trước một ngã tư đường mới mở, một khu dân cư, hay tuyến đường Nguyễn Tất Thành thẳng tắp chạy dài xuống biển.

Mất dấu bao mái nhà lụp xụp quanh những hồ rau muống dọc theo đường Nguyễn Thái Học - Trần Dư cũ. Tuyến Tiểu La chia thành hai, cắt ngang bởi đại lộ thênh thang. Vùng ven cũng rùng rùng biến đổi cùng hàng loạt dự án chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị.

Phố vẫn tất bật, người cũng quay cuồng với cuộc mưu sinh, chỉ những kẻ ở xa, trở về mới nhận rõ biến đổi lặng thầm mà... nhanh chóng của Tam Kỳ. Đó cũng sẽ là cơn cớ cho hoài niệm với nơi chốn cũ đã từng tồn tại.

Những chốn cũ không còn. Hai mươi năm trước, lứa sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Nam vẫn thường qua về ở quán cà phê Sóc Nâu, nơi ngã tư Lê Lợi - Hùng Vương. Quán cà phê nằm ngay đầu con hẻm đầy bụi đất, rẽ vào những khu trọ sinh viên chật chội, ẩm thấp phía sau Trường THPT Trần Cao Vân.

Ngã tư Hùng Vương - Lê Lợi thời ấy được sinh viên nhắc đến với cái tên “ngã tư sung sướng”, bởi hàng loạt quán cóc lụp xụp với những món nhậu bình dân, mở từ đêm đến sáng phục vụ cho đa số là thanh niên, sinh viên trường cao đẳng, trung cấp ở TP.Tam Kỳ.

Quảng trường 24/3 hồi ấy, mỗi chiều trở thành “sân vận động” của rất nhiều nhóm “đá phủi”, dù mặt cỏ lỗ chỗ hục hang; chỗ cho lũ trẻ thả diều và người già dạo bộ.

Ký ức thành phố dày lên bằng ký ức vụn của hàng trăm ngàn người đã ở đó, sống với nhịp sống của phố. Thi thoảng ai đó gợi lên, như thể phủi đi lớp rêu phong giấu lấp, để biên niên ký của phố được dịp lần giở lại. Cho người đến, cho cả những người đi lâu ngày trở lại...

Nương náu “hoài niệm”

Đô thị hóa tạo ra nhiều nhà cao tầng hơn, những đại lộ thênh thang nhưng trơ trọi, bao khu nhà ở khang trang mà “kín cổng cao tường”. Và cũng đồng nghĩa với việc kỷ niệm của thị dân dần thu hẹp lại.

dji_0076.jpg
Thành phố đã có rất nhiều đổi khác.

Người cũ thấy lạc loài khi dời vào tái định cư ở nơi mới. Những người mới đến không kịp gắn kết nhau bằng tình cảm xóm giềng, đôi khi chưa kịp mở lòng với người xa lạ.

Thành phố có nhiều hơn những “ô trống”, nơi không tồn tại ký ức thị dân. Đô thị hóa, chỉ “lý tưởng” khi những thứ đẹp đẽ không đổi bằng nuối tiếc.

Ông già nơi xóm tôi ở vẫn thường chép miệng “hồi xưa”, với ngàn vạn câu chuyện kể. Chuyện về mai cổ thụ mà ông phải bán, vì không thể mang đến nơi ở mới khi nhường nhà cho dự án. Chuyện về đám ruộng chưa năm nào mất mùa, chuyện xóm Bún, xóm Rèn, xóm Chợ, chuyện thời Tam Kỳ còn chưa có đến một cái ngã tư...

Những câu chuyện của xóm, của phố, của những người “lên đời” thị dân như ông, nối tiếp dữ liệu của người chứng kiến quá nhiều khác biệt. Những khác biệt đến từ văn hóa, đến từ nếp sống mà ông chưa kịp thích nghi. Vậy nên, ông sống bằng hôm qua, bằng cách nương náu vào phần ký ức của mình, ở “chốn cũ”.

Thị dân rồi sẽ quen dần chuyện vài ba căn nhà, một xóm nhỏ tự nhiên mất dấu, nhường chỗ cho dự án chỉnh trang đô thị, cho những con đường lớn, cho ngã ba, ngã tư mới mở.

Người ta cũng sẽ quên dần câu chuyện của những cái tên, vốn định hình như “mã tín hiệu” nhận diện từng thế hệ, lớp người này nối tiếp lớp người khác ký gửi một đoạn đời của mình cho phố.

Thành phố, bằng cách nào đó, sẽ luôn mới, luôn đổi khác, thăng trầm biến thiên. Nhưng cũng bằng cách nào đó, sẽ luôn có một không gian hoài niệm để những chốn cũ không mất đi. Chốn cũ, sẽ vẫn còn nơi nương náu trong muôn vạn câu chuyện, muôn ngàn hồi ức của thị dân, trong ký ức chung của thành phố...

THÀNH CÔNG