Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
(QNO) - Sáng nay 14/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam ban hành Công điện 160 yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa lớn.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, lúc 7 giờ sáng nay 14/7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo đến 7 giờ ngày 15/7, ATNĐ di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ 10-15km/h, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ảnh hưởng ATNĐ, vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía tây nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh
cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4m. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sóng biển cao 1,5-3m.
Vùng biển Quảng Nam có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy, sét và gió giật mạnh, gió Nam đến Tây Nam cấp 5, sau mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9. Độ cao sóng từ 1,5-3m, biển động.
Từ đêm nay 14 đến ngày 17/7, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi hơn 250mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn, mưa dông và thời tiết xấu trên biển tại các văn bản đã ban hành.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, các địa phương ven biển tiếp tục theo dõi diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi. Tổ chức kiểm đếm, thông báo chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.
Chủ động đảm bảo an toàn tàu thuyền (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch,...), đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản; tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.