Chính quyền - đoàn thể

Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận: Cách nào để nâng cao hiệu quả?Bài 1: Giám sát vì quyền lợi của dân

NHƯ THỦY - PHAN HOÀNG 15/07/2024 08:00

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Mặt trận) đã được quy định cụ thể trong Luật Mặt trận năm 2015 và có cơ sở chính trị tại Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hãy cùng nhìn lại cách làm và hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Một lĩnh vực công tác mà Chương trình phối hợp hành động ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định là một trong những nội dung trọng tâm cần tạo sự đột phá, đổi mới.

gs-giai-quyet-kien-nghi-nhan-khoi-pho-8-phuong-an-son-tam-ky.jpg
Mặt trân tỉnh giám sát giải quyết kiến nghị của nhân dân khối phố 8, phường An Sơn, Tam Kỳ. Ảnh: M.T

BÀI 1: GIÁM SÁT VÌ QUYỀN LỢI CỦA DÂN

Nhiều năm qua, dư luận xã hội khi nhìn nhận, đánh giá vai trò và hiệu quả hoạt động của Mặt trận, nhất là các cấp Mặt trận ở địa phương, dường như chủ yếu ở các chức năng xã hội của Mặt trận (đoàn kết, tập hợp nhân dân; huy động các nguồn lực giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo, cứu trợ thiên tai…).

Trong khi đó, chức năng “chính trị” - vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trên các lĩnh vực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, có lẽ chưa được sự quan tâm và nhìn nhận đúng mức. Đó cũng là sự trăn trở, suy tư của nhiều cán bộ, công chức đã và đang công tác tại cơ quan Mặt trận các cấp.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhân dân là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Vậy nên, mục tiêu, phương pháp giám sát của Mặt trận cũng rất đặc thù. Đôi khi, chỉ một vài cuộc giám sát của Mặt trận, đã mang lại hiệu quả không ngờ…

Chọn vụ khó để giám sát

Thực tế ở Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành cả nước, tình hình khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân xảy ra khá phổ biến.

Nhiều vụ việc đã xử lý qua nhiều cấp chính quyền, người dân vẫn chưa thỏa mãn, đồng tình; không ít vụ qua nhiều phiên xét xử của các cấp tòa án, kéo dài hàng chục năm, người dân vẫn không đồng tình với các phán quyết; thậm chí không ít vụ, các cơ quan chức năng chậm thi hành bản án khiến người dân bức xúc khiếu nại kéo dài.

Mặt trận cũng chỉ là một trong những “địa chỉ” để người dân tìm đến. Kiến nghị của người dân thì rất nhiều, trong khi nguồn nhân lực của Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở khá mỏng; vậy nên cách làm của Mặt trận tỉnh trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 là chọn những vụ điển hình, những vụ “thật khó” để làm và làm đến nơi, đến chốn.

Một trong những vụ khó có thể kể là vụ việc ông Nguyễn Đông Nhựt (khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) kiến nghị xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm số 24/2016/DS-PT, ngày 16/3/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, liên quan đến tranh chấp đất đai.

ong-nguyen-dong-nhut.jpg
Ông Nguyễn Đông Nhựt lục bản án của Tòa án nhân dân tỉnh có hiệu lực từ ngày 11/5/2023. Ảnh: P.H

Căn cứ đơn kiến nghị của ông Nhựt, Đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh đã tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với các hộ dân lân cận ông Nhựt và thành viên Hội đồng xét cấp đất thị trấn Tiên Kỳ tại thời điểm 1998.

Sau quá trình giám sát, để đảm bảo quyền lợi của công dân và ổn định tình hình, dư luận xã hội tại địa phương, Mặt trận tỉnh kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại Bản án phúc thẩm số 24/2016/DS-PT, ngày 16/3/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đến thời điểm giám sát, đã có 3 cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại Bản án số 24/2016/DS-PT ngày 16/3/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng theo trình tự giám đốc thẩm, gồm HĐND tỉnh, Sở TN-MT, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam.

Thế nhưng, vì tính chất phức tạp của vụ án, nên việc xử lý dằng dai. Tuy nhiên, sau báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị của Mặt trận tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm (ngày 2/9/2019), yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã xử lại và bản án đã có hiệu lực từ 11/5/2023. Tháng 8/2023, ông Nhựt có đơn đề nghị cấp đất theo bản án. Thế nhưng đến nay địa phương vẫn đang xác minh quá trình thực tế sử dụng đất. Vụ việc kéo dài hàng chục năm, thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền cần khép lại và các cấp thẩm quyền cần sớm cấp đất cho gia đình ông Nhựt đúng theo luật định.

Nhớ lại quãng thời gian trần ai khổ sở theo đuổi vụ án, ông Nhựt nói: “Đợt các anh ở Mặt trận tỉnh tới làm việc, gia đình chúng tôi cảm thấy yên lòng nhất. Họ làm kỹ lưỡng từng chút một.

Cũng nhờ có thêm kiến nghị của họ mà vụ việc của chúng tôi được xử lý đúng nguyện vọng. Có được kết quả ngày hôm nay, chúng tôi mang ơn rất nhiều người từ bà con nhân dân ở địa phương, cán bộ ở huyện ở tỉnh. Tuy còn đôi chút lấn cấn nhưng tôi tin vào sự công minh của luật pháp”.

Chủ động vào cuộc

Không phải thụ động chờ đợi kiến nghị của nhân dân, có những vụ việc, qua lắng nghe dư luận, nhất là các kênh thông tin báo chí, Mặt trận tỉnh đã chủ động vào cuộc giám sát.

Cuối năm 2022, Báo Quảng Nam có bài viết “Gần 5 năm vẫn chưa thi hành xong bản án” phản ánh về vụ việc UBND huyện Thăng Bình chưa thực hiện đầy đủ nội dung phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại Bản án phúc thẩm số 34/2018/HCPT, ngày 16/3/2018.

Cụ thể, theo bản án nêu trên, UBND huyện Thăng Bình có trách nhiệm lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tộc Nguyễn Văn làng Cẩm Tú (xã Bình Tú, Thăng Bình) do ông Nguyễn Văn Nam làm đại diện gia tộc đứng đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Nam trao đổi với Đoàn giám sát của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về những nội dung liên quan đến việc thi hành Bản án phúc thẩm số 34/2018/HC-PT. Ảnh: N.ĐOAN
Ông Nguyễn Văn Nam trao đổi với Đoàn giám sát của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về những nội dung liên quan đến việc thi hành Bản án phúc thẩm số 34/2018/HC-PT. Ảnh: N.ĐOAN

Tuy nhiên, gần 5 năm, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Nam nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện; nhiều lần đến các buổi tiếp dân của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để phản ánh vụ việc và Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thực hiện nghiêm Bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Thế nhưng, UBND huyện Thăng Bình vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc theo phán quyết của tòa.

Đọc bài viết trên Báo Quảng Nam, Mặt trận tỉnh đã chủ động đề nghị Báo Quảng Nam cung cấp hồ sơ vụ việc. Trên cơ sở đó, đầu năm 2023, Mặt trận tỉnh thành lập Đoàn giám sát và tiến hành làm việc với UBND huyện Thăng Bình.

Sau đó, Mặt trận tỉnh có báo cáo kết quả giám sát, kiến nghị UBND huyện Thăng Bình khẩn trương thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền địa phương theo phán quyết của tòa án. Và gần 2 tháng sau, ông Nam hết sức vui mừng vì đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chọn vụ việc khó, kéo dài để giám sát và giám sát đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân là cách làm vừa hiệu quả, vừa phù hợp với các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực của cơ quan Mặt trận tỉnh.

Tất nhiên, còn không ít những người dân bị thiệt thòi về quyền lợi mà “cánh tay” của Mặt trận chưa thể vươn tới. Tuy nhiên, điều cần ghi nhận và rất đáng mừng là sau những vụ việc mà Mặt trận vào cuộc, những người trong cuộc và dư luận xã hội có được niềm tin vào hệ thống chính trị, niềm tin vào công lý, lẽ phải.

Dài theo chờ đợi

Một số vụ khác kéo dài nhiều năm không xử lý dứt điểm được đến thời điểm Mặt trận tỉnh giám sát, như: vụ việc liên quan kiến nghị của các hộ dân khối phố 8, phường An Sơn (Tam Kỳ); kiến nghị của các hộ dân thôn Bích An, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành); kiến nghị của ông Nguyễn Văn Tám trú thôn Khánh Tân, xã Tam Dân (Phú Ninh); vụ việc liên quan bà Trần Thị Tới, trú số 2 Phan Thanh, phường Vĩnh Điện (Điện Bàn)… Đến thời điểm này, các vụ vẫn chưa có kết quả cuối cùng, do nhiều dích dắc.

Trong nhiều năm tiếp nhận và xử lý đơn thư, chúng tôi nhận thấy điểm chung: người dân mệt mỏi với quá nhiều cửa ngõ chính quyền cần gõ. Trong chức năng, Mặt trận tỉnh cũng khó đi đến cùng. Đó cũng là điều trăn trở.

Từ năm 2019 đến hết tháng 6/2024, Mặt trận tỉnh tiếp nhận 133 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Theo đó xem xét, chuyển 74 đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn, trả lời cho công dân và lưu hồ sơ 59 đơn do không đủ điều kiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong số đơn thư đủ điều kiện xử lý theo quy định của pháp luật mà Mặt trận tỉnh đề nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết và trả lời cho công dân, bao nhiêu trường hợp có kết quả cuối cùng? Chúng tôi rất khó để tìm được con số này.
-------------------
Bài 2: Thấu hiểu để kiến nghị đúng

NHƯ THỦY - PHAN HOÀNG