Giữ bình yên từ cơ sở
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức lễ ra mắt tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Lực lượng “chính quy” này được kỳ vọng sẽ hoạt động quy củ, trách nhiệm hơn vì sự bình yên của người dân.
Trong đợt cao điểm Giải vô địch bóng đá châu Âu, tại nhiều vùng quê, người dân phải nhắc nhau “cẩn thận củi lửa” với đội ngũ “đạo chích”. Xe máy, các thiết bị điện tử, thậm chí là máy bơm nước... là những thứ dễ ở trong tình trạng hớ hênh, có thể rơi vào tay “đạo chích” bất cứ lúc nào.
Kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro của người dân có được từ thực trạng vào những mùa giải bóng đá lớn, tình trạng trộm cắp lại rộ lên. Nhiều “con bạc” thua độ bí quá quay qua chôm chỉa. Tình hình cá độ bóng đá diễn ra phức tạp trong những đợt cao điểm cũng kéo theo nhiều vấn nạn khác như tín dụng đen, gây rối trật tự công cộng...
Điều đáng nói là nhiều vùng quê được cho là đáng sống trước đây, bỗng nhiên bị các đối tượng khuấy động khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhất là người lớn tuổi, thật không dễ tương thích với lối sống ồn ào của thanh niên, chưa kể dễ rơi vào tình huống nguy hiểm khi ở nông thôn ngày càng có nhiều hơn những chiếc xe máy phóng nhanh vượt ẩu, những hàng quán tụ tập các đối tượng bất hảo nhậu nhẹt, hát hò...
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, nhiều người cho rằng do tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng lên, nhất là thanh niên ở nông thôn, áp lực chi tiêu quá lớn, do ảnh hưởng của lối sống đua đòi trên mạng xã hội...
Dù công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở lâu nay vẫn được duy trì thường xuyên với nhiều lực lượng, nhưng có vẻ như không xuể với diễn biến mới về tình hình trị an tại cơ sở. Nhất là tại các vùng nông thôn, một khi những ràng buộc về tình cảm thân thuộc, gắn kết cộng đồng bị tác động đủ mạnh của tình hình mới, thì ý thức tuân thủ những quy định của pháp luật dễ trở nên ì ạch.
Trong khi đó, các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở một số nơi lâu nay hoạt động thiếu tích cực, phối hợp lỏng lẻo, thậm chí rơi vào tình trạng “làm cho có” chứ chưa phát huy hết trách nhiệm.
Người dân nhiều nơi bày tỏ kỳ vọng về tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bởi có thể xem đây là đội hình “chính quy”, được lãnh đạo tổ chức, phối hợp hoạt động bài bản nhằm giải quyết được những vấn đề phức tạp tại cơ sở.
Chủ trương thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhằm triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) với việc thống nhất ba lực lượng hiện nay gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng. Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được kỳ vọng sẽ tạo luồng gió mới góp phần xây dựng một xã hội chấp pháp từ cơ sở.
Tại Kỳ họp lần thứ 23 tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, HĐND tỉnh (khóa X) đã thông qua Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên và chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định tại mỗi thôn, tổ dân phố được thành lập 1 tổ bảo vệ an ninh trật tự; dự kiến toàn tỉnh có 1.240 tổ bảo vệ với hơn 4.300 thành viên và chế độ, chính sách hỗ trợ được cải thiện hơn.
Trong bối cảnh tình trạng vi phạm pháp luật ở cơ sở ngày càng tinh vi, thậm chí theo xu hướng có tổ chức, nhiều người cho rằng tổ bảo vệ an ninh trật tự sẽ đứng trước nhiều áp lực; trong đó, có thể bắt đầu từ tình cảm láng giềng, lực lượng chức năng ở cơ sở dễ cuốn vào những đường dây phi pháp.
Và cách để vượt qua áp lực đó, đầu tiên đòi hỏi mỗi thành viên trong tổ phải thật sự bản lĩnh, công tâm, vượt qua sự “cám dỗ” để thực sự trở thành cánh tay nối dài của cơ quan chức năng trong việc giữ gìn sự bình yên của người dân. Để tạo được sự tin cậy của nhân dân, trước hết mỗi thành viên trong tổ cần giữ gìn hình ảnh của một tổ chức “vì nhân dân phục vụ”.