Quảng Nam chuẩn bị "biệt phái" cán bộ người dân tộc thiểu số đến làm việc tại các sở, ban ngành của tỉnh
(QNO) - Việc "biệt phái" nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thực tiễn tại địa phương trong tình hình mới.
Ngày 15/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng ký ban hành Kế hoạch số 5231 về việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của các địa phương qua thực tiễn làm việc tại các sở, ban ngành của tỉnh theo Đề án số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, đối tượng được bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (gọi tắt là cán bộ) giữ chức vụ phó phòng chuyên môn và tương đương trở lên thuộc UBND các huyện miền núi được cử đến cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban ngành của tỉnh theo ngành, lĩnh vực có nhu cầu.
Kế hoạch thực hiện theo hình thức biệt phái cán bộ, trong thời gian không quá 6 tháng để bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy trình "4 bước" đối với khối Nhà nước, từ rà soát nhu cầu, ban hành kế hoạch biệt phái của UBND cấp huyện, cho đến quy trình tiếp nhận, bố trí công việc của các cơ quan nơi cán bộ được cử biệt phái và quyết định thôi biệt phái, cũng như thực hiện bố trí nhân sự sau biệt phái.
Riêng đối với khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể thực hiện theo quy định phân cấp quản lý hiện hành hoặc vận dụng thực hiện theo quy trình "4 bước" như khối Nhà nước. Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ được cử biệt phái thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định khác có liên quan.
Lộ trình thực hiện theo giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến giai đoạn 2026 - 2030. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025 để điều chỉnh, bổ sung, ban hành kế hoạch phù hợp yêu cầu giai đoạn tiếp theo.