Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (18/7/1974 - 18/7/2024)Gặp người khai hỏa chốt Cà Tang
“Mỗi lần trở lại huyện Nông Sơn, nhìn đỉnh Cà Tang mây trắng, lòng mình như nghẹn lại trong xúc động, nhắc nhớ năm tháng tuổi trẻ xông pha trận mạc… Năm mươi năm trôi qua nhưng đó là câu chuyện của cả đời người…”.
Dòng tâm sự trên là của Trung tá Đỗ Ngọc Xướng - nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5. Ông tóm tắt đời mình bằng những mốc điểm tham gia chiến trường Quảng Trị (năm 1966), rồi Thừa Thiên Huế (1968), vào chiến trường Quảng Nam cho đến ngày giải phóng.
Và điều khắc ghi trong trận đánh vào cứ điểm địch ở Nông Sơn - Trung Phước cách đây vừa đúng nửa thế kỷ (18/7/1974 - 18/7/2024) là chính ông khai hỏa quả mìn đánh chốt Cà Tang mở màn chiến thắng lịch sử này.
Luyện quân 3 tháng, dùng trong “chớp nhoáng”
Lúc ta quyết định đánh cứ điểm địch ở Nông Sơn - Trung Phước, Trung tá Đỗ Ngọc Xướng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh thuộc Sư đoàn 2.
Cứ điểm Cà Tang lúc bấy giờ có một trung đội biệt động quân, bao bọc bởi 4 lớp rào thép gai. Khi mìn nổ, các lớp rào bị thổi tung lên, xé toang một mảng lớn, mở đường cho quân ta tiến lên đánh chốt. Trận đánh diễn ra nhớp nhoáng, ta nhanh chóng làm chủ cao điểm Cà Tang, địch bị đánh bật, không dám chống cự, rút lui.
Ông Xướng cho biết, để đánh bật chốt này ta chỉ mất khoảng 15 - 20 phút, nhưng trước đó đã phải huấn luyện đến 3 tháng trời. Trong kế hoạch đánh Nông Sơn - Trung Phước ta đã dự lường có thể kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10/1974.
Song thực tế ta giải quyết gọn, rút ngắn thời gian. Trước khi bước vào trận đánh, các lực lượng tham chiến của ta tập trung huấn luyện tại núi Lớn ở Sơn Bình, tức xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức ngày nay.
Đơn vị của ông Xướng thuộc bộ phận công binh mở đường cũng biên chế huấn luyện tại đây. Trong luyện tập, các đơn vị chiến đấu mô phỏng địa bàn khu vực núi Lớn ở Sơn Bình giống như cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, lấy sông Trầu chảy qua khu vực này giống như Thu Bồn chảy qua mỏ than Nông Sơn.
Các bước huấn luyện chuẩn bị này, theo ông Xướng đã giúp lực lượng của ta phối hợp nhịp nhàng, cơ bản đúng theo phương án khi tác chiến thật. Là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh, ông Xướng trực tiếp được thủ trưởng cấp trên quán triệt các mệnh lệnh của trận đánh.
Chiến thuật lúc bấy giờ là đánh từ phân đội nhỏ đến phối hợp đánh lớn giữa các lực lượng có pháo, cao xạ, để chia lực lượng địch khi tiếp viện bằng xe tăng và máy bay.
Biên chế trận đánh các lực lượng chủ lực khoảng 580 người. Trước trận đánh một tháng, đơn vị công binh của ông Xướng triển khai đào công sự trong tầm hỏa lực, đưa pháo lên đồi cao, súng DKZ-82 được tháo rời để vận chuyển.
Tất cả nhiệm vụ chuẩn bị trận đánh hoàn thành trước 10/7/1974. Để dự lượng tình huống tiếp viện của địch, ta còn tăng cường Trung đoàn 36 phòng ngự ở Quế Sơn và Trung đoàn 572 pháo binh.
Niềm tin tất thắng
Trong trận Nông Sơn - Trung Phước, tình huống xuất hiện ngoài dự tính đó là khi ta tháo rời để vận chuyển đủ lượng súng DKZ-82 (còn gọi B-10) do Liên Xô sản xuất để tiến hành đánh địch theo kiểu rồng lửa phủ đầu một cách liên hoàn thì gặp trục trặc, vì số đầu đạn DKZ do đồng chí Hồng (nay là thương binh nặng đang an dưỡng tại Hội An) không gùi đến được như kế hoạch.
Chị Hồng bị thương trên đường gùi đạn nên cách đánh cũng phải thay đổi theo hướng khai hỏa từng mục tiêu. Súng không giật DKZ-82 thường được đặt trên giá 3 chân, có thể gắn thêm 2 bánh xe với khả năng gập lại để thuận tiện khi di chuyển. Trong tình huống khẩn cấp, xạ thủ có thể lựa chọn phương pháp bắn ứng dụng bằng cách vác vai như súng chống tăng thông thường.
Một tình huống bất ngờ ngoài dự kiến nữa là đến ngày 17/7/1974, địch dùng trực thăng đổ 4 đợt quân của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 ngụy với hơn 400 tên để thay cho Tiểu đoàn 78 biệt động quân, làm cho quân địch ở Nông Sơn tăng lên nhiều so với ban đầu.
Nhưng với tinh thần quyết tâm của Sư đoàn 2 và Bộ Tư lệnh Quân khu, phương án đánh địch đã được vạch ra không thay đổi, cuộc tấn công như kế hoạch ban đầu vẫn diễn ra.
Tiểu đoàn Công binh của Sư đoàn 2 vẫn đảm nhận nhiệm vụ phát lệnh tiến công chung bằng việc tiêu diệt chốt điểm núi Cà Tang. Và không ai khác, người nổ phát mìn khai hỏa ấy là Tiểu đội trưởng Đỗ Ngọc Xướng.
Đại tá Châu Khắc Tạo - nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, hiện là Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 - người giới thiệu nhân chứng lịch sử “người khai hỏa chốt Cà Tang” nhìn nhận: “Ông Xướng là con người ít muốn nói về mình, dù ông là người lính dày dạn kinh nghiệm, gắn bó với rất nhiều chiến trường, nhưng đến Quảng Nam mới là nơi duyên nợ để ông gắn bó cuộc đời mình.
Bởi ông vốn quê Thanh Hóa vào chiến trường Quảng Nam rồi tìm ra phân nửa đời mình ở mảnh đất này. Người vợ của ông đã qua đời cách đây 3 năm cũng là lính đơn vị Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5”.
Năm mươi năm trôi qua, bao kỷ niệm buồn vui trong đời người lính, song bằng niềm tin tất thắng, sức mạnh của quân đội ta, sức mạnh của mỗi người lính đã nhân lên bội phần nơi chiến trường trận mạc cũng như cuộc sống đời thường hôm nay.