Sen ở sông Đầm chết hàng loạt
(QNO) – Do nhiễm mặn, phèn và các bệnh thán thư, thối thân, rễ gây hại, hơn 18ha sen trồng trên hồ sông Đầm thuộc các khu vực xã Tam Thăng và phường An Phú (TP.Tam Kỳ) bị chết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ, đầu năm 2024, người dân trồng 23,9ha sen trên hồ sông Đầm, với 2 loại giống chính là sen hồng và sen xanh. Trong đó, xã Tam Thăng trồng 9,9ha và phường An Phú trồng 14ha.
Sen phát triển khá tốt trong giai đoạn đầu, song có dấu hiệu suy yếu từ cuối tháng 4 đến nay. Qua kiểm tra của ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ, hiện sen chết 18,1ha, trong đó xã Tam Thăng là 8,6ha, phường An Phú là 9,5ha. Diện tích sen còn lại là 5,8ha, nhưng chỉ có 4,5ha sen ở phường An Phú đang trong giai đoạn thu hoạch; còn 1,3ha xã Tam Thăng thì phát triển kém.
Sen là loài thủy sinh rất mẫn cảm với ô nhiễm nguồn nước. Nước trồng sen phải đảm bảo đủ sạch, không bị tác động bởi hóa chất, ô nhiễm và nước không bị tù đọng. Nếu nước và đất bị nhiễm mặn, phèn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển và năng suất của cây sen.
Là một trong 13 hộ ở xã Tam Thăng tham gia trồng sen vụ này, ông Bùi Viết Việt (thôn Vĩnh Bình) mất trắng 30 triệu tiền giống. Đây là vụ đầu tiên ông Việt thất thu sau hơn 30 năm gắn bó nghề trồng sen trên sông Đầm.
“Mấy năm trước, trồng sen trên diện tích 1ha, tôi thu ít nhất 70 triệu đồng. Còn năm nay không thu được hạt nào và sen cũng không thể tái tạo. Đáng nói, sen chết dẫn đến lượng khách du lịch về trải nghiệm mùa sen nở cũng sụt giảm theo” – ông Việt nói.
Qua kiểm tra của ngành chức năng TP.Tam Kỳ, sen chết chủ yếu là giống sen hồng. Triệu chứng ghi nhận là chóp lá bị cháy khô, lá non khô quắp lại; thân, cuống, gốc, rễ đều có hiện tượng thối dần. Nguyên nhân do nước nhiễm mặn, phèn và một vài diện tích bị ảnh hưởng bởi bệnh thán thư, thối rễ, thối thân gây hại.
Năm nay, mặn trên sông Đầm xâm nhập sớm. Đợt kiểm tra vào tháng 6 vừa qua, độ mặn ghi nhận dao động từ 0,82 – 1,14 ‰.
Tình trạng nấm gây hại trên một số diện tích trồng sen hồng được phát hiện sớm, song khó áp dụng các biện pháp để trừ bệnh. Lý do là diện tích trồng sen này thuộc sông Đầm, không thể chủ động trong việc điều tiết nước hoặc tháo kiệt nước áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết. Giai đoạn trước khi xuống giống, người dân cũng khó xử lý triệt để mầm bệnh gây hại.