Dịch hại phát sinh trên cây trồng vụ hè thu
Trên nhiều cánh đồng sản xuất lúa và hoa màu của Quảng Nam, chuột cùng một số loại sâu bệnh đang phát sinh gây hại diện rộng. Nông dân cần chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ để giảm thiểu thiệt hại.
Chuột cắn phá lúa
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, vụ hè thu 2024 nông dân trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã gieo sạ 5.400ha lúa.
Thời điểm này, hầu hết diện tích lúa đang giai đoạn đứng cái - làm đòng. Tuy nhiên, những ngày qua chuột phát sinh gây hại trên nhiều xứ đồng. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay toàn thị xã Điện Bàn đã có 340 sào lúa bị chuột cắn phá, tập trung chủ yếu ở những khu vực gò đồi của các xã Điện Hồng, Điện Phước, Điện Thọ.
Trước nguy cơ chuột bùng phát mạnh, thời gian qua ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương của Điện Bàn khẩn trương hỗ trợ nông dân triển khai những biện pháp diệt chuột.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Phòng Kinh tế thị xã đã chi gần 100 triệu đồng mua 6 nghìn chiếc bẫy; UBND các xã, phường trích kinh phí mua thuốc sinh học cấp phát cho người dân diệt chuột. “Tính đến giữa tháng 7, nông dân Điện Bàn đã tiêu diệt hơn 20 nghìn con chuột” - ông Chơi nói.
Theo Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm nay nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam sản xuất tổng cộng 41.578ha lúa, chủ yếu sử dụng các loại giống trung - ngắn ngày có chất lượng tốt như KD18, BC15, VNR20, Hà Phát 3, ĐT100, Thiên ưu 8, TBR97. Trong số diện tích lúa nêu trên, có 4.484ha phụ thuộc nước trời và 37.094ha chủ động nước tưới.
Tin từ Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, thời gian qua chuột phát sinh gây hại trên lúa đứng cái - làm đòng ở hầu hết địa phương của tỉnh.
Thống kê mới nhất, đến nay tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và một số nơi khác đã có 323ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ bình quân khoảng 3 - 5%, nơi cao 10%. Trong khi đó, thời điểm này năm trước, số diện tích lúa bị chuột cắn phá trên toàn tỉnh chỉ 209,5ha…
Cảnh giác với nhiều loại sâu bệnh
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, hè thu 2024 nông dân toàn huyện xuống giống gần 3.480ha lúa. Hồi đầu vụ, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nên việc xử lý thuốc cỏ không hiệu quả trên một số diện tích lúa, gây ra hiện tượng sót cỏ khá nhiều, đặc biệt là 2 loại cỏ gây hại mạnh gồm cỏ mật và cỏ chác lát.
Đáng chú ý, ngoài 260 sào lúa bị chuột gây hại trên diện rộng thì tại xã Duy Phước và thị trấn Nam Phước còn có 60 sào lúa bị nhiễm bệnh khô vằn. Cạnh đó, sâu cuốn lá, bệnh thối thân cũng phát sinh gây hại rải rác.
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, tính đến thời điểm này, tại Điện Bàn, Duy Xuyên và một số nơi khác đã có 640 sào lúa nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại bình quân 5 - 10%.
Cạnh đó, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh gây hại rải rác 160 sào lúa với mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2; trong khi đó cùng kỳ năm ngoái cả tỉnh không có diện tích lúa bị nhiễm 2 loại rầy vừa nêu.
Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác như sâu cuốn lá, sâu keo, ruồi đục nõn, sâu đục thân, bọ xít đen, bọ xít dài... cũng phát sinh gây hại rải rác một số cánh đồng lúa ở các địa phương Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh.
Trên các loại cây trồng cạn cũng phát sinh nhiều loại sâu bệnh. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hè thu năm nay nông dân Quảng Nam gieo trồng 5.092ha bắp. Thời điểm này, phần lớn diện tích bắp nêu trên đang giai đoạn xoáy nõn - trổ cờ phun râu, trái non.
Hiện nay, ngoài bệnh khô vằn gây hại cục bộ 100 sào bắp ở huyện Duy Xuyên với tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, nơi cao 10% thì sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân cũng phát sinh rải rác trên những ruộng bắp của Đại Lộc, Điện Bàn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Hội An...
Vụ hè thu này, nông dân cả tỉnh còn sản xuất 1.016ha đậu phụng và 4.265ha rau đậu các loại khác. Thời gian gần đây, trên cây đậu phụng, bệnh héo rũ gốc mốc đen phát sinh gây hại rải rác ở Tam Kỳ và sâu ăn lá xuất hiện ở Nông Sơn.
Trong khi đó, sâu xanh, bệnh đốm lá, bệnh thối nhũn gây hại rải rác trên rau ăn lá; bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác trên cây con các loại tại nhiều địa phương; bọ trĩ, sâu đục quả, sâu ăn lá phát sinh trên cây đậu xanh và đậu đen ở Duy Xuyên; trên cây họ bầu bí, bệnh thán thư, phấn trắng, giả sương mai, héo xanh vi khuẩn gây hại ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn...