Vọng theo hội làng Cơ Tu...
Chiêng trống nổi lên, giữa không gian làng truyền thống, những chàng trai, cô gái Cơ Tu xúng xính trong sắc phục thổ cẩm hòa theo vũ điệu tâng tung, da dá đầy mê hoặc.
Sau gần 10 năm gián đoạn, chừng như Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn lần thứ 4 (khai mạc vào hôm qua, 18/7) không làm “nguội đi” sự mong đợi của người dân lẫn du khách.
Lễ hội kéo dài bằng những cuộc trình diễn văn hóa nghệ thuật kết hợp ẩm thực truyền thống, được xem là nỗ lực của đồng bào Cơ Tu sau dịch bệnh nhằm giữ chân du khách ở lại lâu hơn với cộng đồng.
Cuộc trình diễn sắc màu
Hội làng truyền thống bắt đầu. Các nghệ nhân Cơ Tu lần lượt nối chân bước đến sân gươl, ngay trước trụ x’nur (cây nêu) của làng Bhơ Hôồng.
Lời của già làng vọng giữa nhịp chiêng trống, hàm ý báo hiệu cuộc vui sắp sửa tiến hành. Cặp chiêng được đánh vang, nối dài sau nghi thức cúng tế thần linh, cả dân làng hòa theo nhịp trống, rộn ràng cùng điệu múa tâng tung, da dá.
Trở về nhà sau thời gian học tập ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Nam, Alăng Thị Phương Thủy có gần một tháng tham gia tập luyện cùng người dân ở thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn).
Buổi trình diễn múa trống chiêng kết hợp vũ điệu tâng tung, da dá của Phương Thủy và dân làng Bhlô Bền thu hút sự đón nhận của cộng đồng và du khách.
Phương Thủy nói, đây là lần đầu tiên em tham gia chương trình lễ hội quy mô lớn của cộng đồng nên rất tự hào. Nhiều động tác múa da dá truyền thống được hướng dẫn, thể hiện giúp người trẻ như Thủy hiểu nhiều hơn về sắc màu văn hóa, cũng như giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn đặc sắc và lâu đời của đồng bào Cơ Tu.
“Mỗi thôn một sắc màu, ai cũng mong muốn được mang đến cho người xem những tiết tục trình diễn độc đáo nhất, tái hiện không gian đời sống Cơ Tu sinh động và hấp dẫn phục vụ du khách” - Phương Thủy chia sẻ.
Câu chuyện của Phương Thủy làm tôi nhớ đến cuộc gặp bất ngờ với đoàn du khách đến từ TP.Đà Nẵng vào buổi sáng diễn ra lễ hội. Họ đa số là sinh viên, góp mặt tại hội làng truyền thống Cơ Tu này khá tình cờ, khi tham gia chuyến khảo sát chương trình thiện nguyện sắp tới.
Lần đầu tiên chứng kiến một lễ hội đầy sắc màu truyền thống, Ngọc Thúy - cô gái có quê ở Quảng Trị tâm sự, cả đoàn ai cũng muốn ở lại lâu hơn, chứng kiến nhiều hơn cuộc trình diễn của đồng bào địa phương.
Vì thế, suốt buổi diễn ra lễ hội, Thúy và các bạn của mình đều dành thời gian theo dõi, ghi lại khoảnh khắc đẹp của cộng đồng Cơ Tu, thông qua các tiết mục trình diễn độc đáo, ấn tượng.
Thắm tình đoàn kết
Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, sau nhiều năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, địa phương tái khởi động lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu như một dịp khơi nguồn cảm xúc, tạo tinh thần gắn kết giữa cộng đồng địa phương.
Lợi thế có số đông người Cơ Tu sinh sống, lễ hội cũng nhằm hướng đến bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là nghi thức cúng thần linh, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng một cách nguyên bản.
Bà Ngơi nói, trước sự tác động của nhịp sống xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một.
Để tăng cường hơn nữa vai trò kết nối, định hướng và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, lễ hội được xem là dịp để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn bản sắc Cơ Tu một cách nguyên vẹn.
“Sau lễ hội này, bên cạnh thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa, các thôn tiếp tục mở rộng xây dựng và duy trì các mô hình câu lạc bộ múa trống chiêng, dệt thổ cẩm, nói lý - hát lý…, tạo niềm tin cho cộng đồng trong công cuộc xây dựng đời sống mới văn minh, đẹp giàu” - bà Ngơi nhấn mạnh.
Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên và cộng đồng Cơ Tu hào hứng tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản miền núi và trưng bày sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo.
Ngoài ra, địa phương cũng trưng bày triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức giao lưu nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống kết hợp các điệu múa trống chiêng, nói lý - hát lý…
“Lễ hội năm nay thu hút hơn 400 nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn. Do vậy, ngày hội không đơn thuần là sự kiện văn hóa, còn mà là cơ hội để gắn kết cộng đồng người Cơ Tu, tạo động lực phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, lâu đời” - bà Ngơi nói.