Điều trị PrEP hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV
(QNO) - Sắp tới, Quảng Nam sẽ đưa vào cơ sở điều trị PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) miễn phí tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam). Tại đây, khách hàng cũng được cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm và các vật dụng can thiệp giảm hại khác miễn phí.
Điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. Thông tin dưới đây có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV - PrEP.
Lợi ích khi sử dụng PrEP
PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa bị nhiễm. Thông tin từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết, khi dùng PrEP, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể.
Sử dụng PrEP đúng cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đến hơn 97% và hơn 74% đối với nhóm tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.
Ai có thể sử dụng PrEP?
Người sử dụng PrEP là những người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV và có bất kỳ yếu tố nào sau đây trong vòng 6 tháng qua: có quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo không sử dụng bao cao su với hơn 1 bạn tình. Bạn tình có 1 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV như: chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV lớn hơn hoặc bằng 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; đã mắc hoặc đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PeP). Người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV nên sử dụng PrEP.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: không tự ý sử dụng PrEP; chỉ sử dụng PrEP sau khi đã được bác sĩ tư vấn và kê đơn. Những trường hợp không sử dụng PrEP là: những người có HIV hoặc có khả năng mới nhiễm HIV; có bệnh lý về thận; dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP; cân nặng dưới 35kg; có phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua.
Sử dụng PrEP hằng ngày thế nào?
PrEP có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng thuốc đầy đủ và liên tục sau 7 ngày. Khi dùng PrEP, tái khám lần đầu sau 1 tháng; tái khám lần 2 sau tái khám lần đầu 2 tháng; tái khám lần 3 và những lần tiếp theo định kỳ 3 tháng.
Khi tái khám, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm để theo dõi việc điều trị. Người sử dụng PrEP nếu có biểu hiện bất thường, có thể đến gặp bác sĩ bất kỳ khi nào. Những người có chỉ định của bác sĩ đều có thể sử dụng PrEP hằng ngày. Trong khi đó, PrEP theo tình huống chỉ sử dụng cho nam quan hệ tình dục đồng giới.
Bác sĩ khuyến cáo, tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn để thuốc phát huy hiệu quả cao; sử dụng đồng hồ báo thức hoặc điện thoại hẹn giờ để đảm bảo dùng thuốc đúng giờ. Nam quan hệ tình dục đồng giới có thể chuyển đổi từ sử dụng PrEP tình huống sang sử dụng PrEP hằng ngày và ngược lại. Tuy nhiên cần hỏi bác sĩ để được tư vấn cách chuyển đổi.
Các chuyên gia y tế cho biết, PrEP an toàn với mọi người, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Hầu hết người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn... Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau 1-2 tuần.
Tuy nhiên, người dùng cần trao đổi với bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Một số người dùng PrEP thời gian dài có thể gây loãng xương nhưng trường hợp này ít gặp, hoặc có thể ảnh hưởng đến thận, vì vậy người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ.
Có thể ngừng sử dụng PrEP
Bác sĩ chỉ định ngừng sử dụng PrEP trong các trường hợp: người sử dụng PrEP có kết quả xét nghiệm HIV dương tính; gặp tác dụng phụ nghiêm trọng; không còn nguy cơ lây nhiễm HIV như: luôn dùng bao cao su; chung thủy với 1 bạn tình; vợ chồng/bạn tình nhiễm HIV điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu; khách hàng tuân thủ điều trị kém. PrEP không phải dùng suốt đời và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng sử dụng.
Sử dụng PrEP vẫn cần sử dụng cả bao cao su khi quan hệ tình dục.
Bác sĩ khuyến cáo, sử dụng PrEP vẫn cần sử dụng bao cao su vì PrEP làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có khả năng lây nhiễm HIV nếu không sử dụng bao cao su. PrEP chỉ giúp phòng lây nhiễm HIV mà không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không có tác dụng tránh thai, trong khi đó bao cao su vừa có tác dụng tránh lây nhiễm HIV vừa phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai viêm gan B, C... và giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời nhấn mạnh, an toàn nhất là luôn dùng PrEP và sử dụng bao cao su để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cần làm gì khi muốn sử dụng PrEP?
Khi muốn sử dụng PrEP, khách hàng đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP (cơ sở điều trị HIV/AIDS). Tại Quảng Nam, có thể đến Khoa phòng, chống HIV/AIDS, CDC Quảng Nam (địa chỉ 131 Trưng Nữ Vương, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ, số ĐT: 02353506152).
Tại đây, bác sĩ sẽ tư vấn, khám và thực hiện các xét nghiệm: xét nghiệm HIV, xét nghiệm viêm gan B, C; xét nghiệm chức năng của thận; xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (lậu, giang mai, chlamydia…); thử thai nếu nghi ngờ có thai.
Nếu khách hàng đủ tiêu chuẩn dùng PrEP, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hướng dẫn việc sử dụng PrEP.
Các bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC Quảng Nam cho biết, tất cả thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật nên khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm.