Phụ nữ Thăng Bình mạnh dạn thành lập hợp tác xã
(QNO) - Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ ở Thăng Bình đã đồng hành, trợ giúp hội viên thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nâng tầm sản phẩm.
Khi chị em làm chủ HTX
Năm 2023, Hợp tác xã Nông dược Thiên Lộc (xã Bình Lãnh, Thăng Bình) được thành lập trên cơ sở cửa hàng Tabitha Quảng Nam. HTX này đang sản xuất, phân phối trên 30 sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm khởi nghiệp cấp tỉnh đều hướng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
“Nhiều sản phẩm đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến vì chất lượng tốt như tỏi đen cô đơn, tinh nghệ, viên nghệ mật ong rừng là các sản phẩm có tác dụng chữa dạ dày, giảm nguy cơ ung thư, thải độc tố trong cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh” – bà Đặng Thị Tố Nga, Giám đốc HTX Nông dược Thiên Lộc.
[VIDEO] - HTX Nông dược Thiên Lộc:
Bà Nga khẳng định nếu Hội LHPN cấp huyện, xã không hỗ trợ các thông tin về hoạt động khởi nghiệp - sáng tạo, chương trình OCOP thì có thể bà cũng chỉ mãi dừng ở mức làm và bán sản phẩm chứ không tìm được định hướng nâng tầm sản phẩm.
“Có được thông tin về các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp, tôi liền gửi sản phẩm tham gia cấp huyện do Hội LHPN huyện Thăng Bình tổ chức. Và sau đó tôi được các ngành chức năng của huyện hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm để tham gia cuộc thi ở tỉnh và đạt được thành quả là một số sản phẩm đoạt giải thưởng về khởi nghiệp, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh” - bà Nga cho biết.
Tiếp bước thành công, đến 2022, sản phẩm bột rau má sấy lạnh Tabitha vinh dự là 1 trong 2 sản phẩm của huyện Thăng Bình đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
“Những giấy khen, chứng nhận về OCOP, khởi nghiệp mà các cơ quan Nhà nước cấp cho sản phẩm chính là minh chứng về chất lượng sản phẩm của mình để khách hàng tin tưởng hơn. Đồng thời, qua những lần làm hồ sơ, dự án thi và tham gia OCOP cũng là dịp để các cơ quan hữu quan giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm hơn. Và mong muốn lớn nhất của HTX là được chính quyền địa phương tạo điều kiện mua được đất làm mặt bằng, xây dựng xưởng sản xuất”
Bà Đặng Thị Tố Nga
[VIDEO] - Bà Đặng Thị Tố Nga - Giám đốc HTX Nông dược Thiên Lộc:
Tương tự, sản phẩm dầu tràm Linh Vũ của bà Bùi Thị Nguyệt (thôn Tây Giang, xã Bình Sa) vào top 100 thương hiệu, sản phẩm dịch vụ nổi tiếng tại Việt Nam do Tạp chí Công Thương bình chọn.
Đây cũng là sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao và nhiều giấy chứng nhận khác. Đặc biệt vừa qua đã được Cục Công thương địa phương cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022.
Để đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu, Hội LHPN xã Bình Sa hỗ trợ bà Nguyệt đứng ra liên kết với các hộ dân trồng 5ha cây tràm gió và hình thành Tổ hợp tác liên kết sản xuất năm 2021 với 6 thành viên. Tổ hợp tác này thu mua nguyên liệu tại chỗ và sản xuất để đáp ứng với nhu cầu của thị trường.
Nhờ vậy, mỗi năm HTX Dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt tiêu thụ 1.000 lít dầu và giải quyết việc làm cho 8 lao động tại chỗ. Trước nhu cầu phát triển, tổ hợp tác liên kết sản xuất đã được Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập nên HTX vào tháng 11/2023.
“Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp sức của Hội LHPN xã Bình Sa và huyện Thăng Bình trong việc hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục liên quan. Ngoài ra, Hội LHPN đã hỗ trợ HTX hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng, được tham gia xúc tiến thương mại ở những hội chợ lớn” – bà Bùi Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Dầu tràm Linh Vũ nói.
Trợ lực cho hội viên
Theo bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình, hằng năm, hội phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp trong phụ nữ. Thông qua cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ, phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các sáng kiến, các ý tưởng kinh doanh.
Sau khi các ý tưởng được chấm chọn, Hội LHPN huyện phối hợp Phòng KT-HT, Phòng NN&PTNT đối thoại, tư vấn trực tiếp với các chủ thể, chủ cơ sở. Các cơ quan chuyên môn tư vấn trực tiếp cho các chị em về nguồn nguyên liệu, chất lượng, kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ...
Và vừa qua, Huyện hội đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024. Sự kiện thành công ngoài mong đợi khi có rất đông người tham quan, mua sắm. Giúp các HTX, tổ hợp có sản phẩm kết nối, tiêu thụ được sản phẩm và tìm kiếm đối tác lớn.
Bà Nguyệt đánh giá, ưu điểm của các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP do phụ nữ làm ra là có nhiều thay đổi phù hợp sau khi được Hội LHPN huyện hỗ trợ như chất lượng, mẫu mã, cách tiếp cận thị trường. Các chị hội viên đã biết xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình.
Và biết dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất, kết nối chặt chẽ với các hộ nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào đủ cho sản xuất quanh năm.
Đồng thời, để hỗ trợ các chị em có được nguồn vốn làm kinh tế, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng KT-HT huyện hướng dẫn cơ sở làm các hồ sơ thủ tục theo quy định và tổng hợp làm tờ trình đề nghị các ngành hỗ trợ kinh phí để các cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất.
“Thăng Bình được giao hỗ trợ thành lập 7 HTX nhưng đến nay đã thành lập được 8 HTX, 2 tổ hợp tác do hội viên phụ nữ làm chủ. Đồng thời, chúng tôi đã kết nối, đề xuất hỗ trợ các nguồn kinh phí cho 47 hội viên với gần 1,6 tỷ đồng trong phát triển kinh tế tập thể” - bà Nguyệt cho biết.