Họa sĩ Thu Trần: " Tôi yêu Hội An và Tam Thanh"
Nghệ sĩ, họa sĩ Thu Trần đã có 7 năm đồng hành với Hội An và làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ). Chị nói, mình có tình cảm sâu đậm với con người và không gian của những vùng đất xứ Quảng. Ngày càng nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật dành tặng miền đất này.
Đầu năm 2017, trong một cuộc gặp với nhà hoạt động cộng đồng Lê Diệu Ánh, từ những chia sẻ về một dự án cộng đồng ở Quảng Nam, Thu Trần cùng các nghệ sĩ tạo hình, lần đầu tiên hoạt động tại Quảng Nam.
Phải lòng xứ Quảng
Làm quen với Tam Thanh và quan sát, Thu Trần nói, đây là vùng đất thật đẹp và lạ. Rẻo đất mà một bên sông, một bên biển với chủ yếu là ngư dân, ăn sóng nói gió và hồn nhiên thật lòng.
Tới Tam Thanh lần nào, Thu Trần đều thấy như phải lòng vùng đất. Làm sao để ngôi làng này trở thành một điểm phải tới của vùng đất Quảng Nam? Khi các nghệ sĩ đã vẽ nhiều bức họa lên tường nhà của người dân, trong đó có cả các nghệ sĩ Hàn Quốc và Việt Nam, thì nhóm những người bạn của họa sĩ Thu Trần đã cùng ngồi với nhau để nghĩ sẽ làm gì tiếp theo cho Tam Thanh?
Và họ đã cùng nhau khai thác, phát triển, tái hiện những câu chuyện bản địa, bằng phương thức của nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã tham gia thực hành nghệ thuật tại vùng biển này, theo đúng tiêu chí như vậy. Các tác phẩm nghệ thuật, sắp đặt tại ngôi làng Tam Thanh đều được tu sửa bổ sung hàng năm để không bị lãng phí hoặc quên lãng.
Rồi Thu Trần lại có duyên với Hội An. Năm 2019, chị có dự án nghệ thuật “Giăng tơ” nằm trong loạt sự kiện mừng 20 năm phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Với chị, đây là một mối nhân duyên lớn - một khám phá mới trong hành trình nghệ thuật của mình.
“Tôi luôn nghĩ tới màu vàng của Hội An. Tôi mê từ những ngôi nhà cổ, những con đường nhỏ, con ngõ nhỏ, món mỳ Quảng, dòng sông Hoài bé nhỏ uốn quanh ôm lấy con phố nhỏ… Hội An tuyệt đẹp trong đêm thanh vắng. Mọi thứ nhẹ nhàng, chậm rãi, bình tĩnh và “không đi đâu mà vội mà vàng” - Thu Trần nói.
Khi nhận lời làm triển lãm tại Khách sạn Almanity Hội An, việc đầu tiên, Thu Trần tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người Hội An. Càng đi sâu khám phá, càng thấy những mối nhân duyên.
Thu Trần là người con của Tây Bắc, và chị muốn mang câu chuyện tơ lụa của vùng núi Tây Bắc để sáng tạo cùng vùng đất cũng có lịch sử vàng son của những sợi tơ.
“Không gian dấu tích xưa của bến cảng Faifo và bà Chúa Tằm Tang, tôi mong mình có thể được kế thừa, phát triển thêm những gì liên quan tới tơ lụa bằng con đường nghệ thuật” - Thu Trần chia sẻ. Và tác phẩm “Giăng tơ” - ngợi ca vẻ đẹp của tơ lụa, ở ngay chính xứ sở tơ lụa bắt đầu đã làm nhiều người ngạc nhiên.
Những kết nối
Thu Trần nói, chị không thể quên những kỷ niệm đã có ở Hội An và Tam Thanh. Chị coi đó là tình yêu đã kéo dài 7 năm nay.
Từ Tam Thanh, chị đã thử nghiệm những cái mới của bản thân mình. Ngư cụ, lưới, thuyền, chài, chum, vại cũ làm mắm cũ chị tận dụng làm chất liệu, sắp đặt lại thành một câu chuyện về biển. Các tác phẩm trên vải được treo trên cây phi lao khiến không gian luôn được bừng sáng rực rỡ nhiều sắc màu.
Ngay từ năm đầu tiên khi vẽ trên thuyền thúng, Thu Trần đã dùng nghệ thuật sắp đặt để xếp theo từng tổng thể của khu vực và không tách bạch, nhưng những năm về sau, chị nhận thấy nên tổng hợp ý tưởng cá nhân để hình thành những tác phẩm sắp đặt mang lại hiệu quả cho các khu vực địa lý của xã mà chị đã quen thuộc.
Năm 2021, chị thực hiện tác phẩm “Ra khơi” kết hợp vải vẽ và thuyền thúng, thuyền dài, với khoảng không gian kéo dài 200m sát bên bờ biển. Năm 2023, chị làm sắp đặt “Cánh đồng mắm” trên giấy và lụa rồi phủ composite kết hợp với thuyền thúng, thuyền dài và nhiều chum vại.
Năm 2024, chị thực hiện tác phẩm sắp đặt “Sao biển” kết hợp giàn chum được xếp lại với nhau. Phía trên, những nhánh phi lao cao cao trên bầu trời có những guồng lụa nhỏ như những chiếc đèn hay những con sao biển bằng vải.
Bà con qua lại thấy một cô họa sĩ lúi húi làm, họ xúm xít giúp đỡ, ngồi xem chị vẽ lên vải, đôi khi chị còn được người dân yêu quý gọi là cô Thu “vẩy” (vẩy màu).
Những ngày tháng thực tế tại làng Tam Thanh, hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây, Thu Trần đã có nhiều sáng tác gắn liền với đời sống và tinh thần của họ.
“Người nhà” của bà con Tam Thanh
Khi thấu hiểu công việc của người ngư dân bám biển ngày đêm sớm hôm cùng trăng sao và trở về khi bình minh, cùng sóng biển rì rào tung bọt trắng xóa, Thu Trần nói “tôi đã yêu họ không biết từ khi nào”.
Chị chia sẻ: “Ở Tam Thanh có anh Đức may, người dân gọi là anh Tài, gia đình anh là gia đình khuyết tật, có cô vợ bị khoèo chân tay nhưng nói được, anh thì bị câm điếc nhưng chân tay lành lặn.
Anh rất khéo tay, biết may vá, họa sĩ Hàn Quốc đã vẽ chân dung anh ngồi may cùng gia đình để thu hút khách tới du lịch. Tôi thấy thế đã đề nghị với chị Lê Diệu Ánh răng tôi sẽ tổ chức dạy vẽ cho anh và bà con ở làng để làm những đồ thủ công handmade”.
Và những sản phẩm lưu niệm kết hợp giữa may vá và mỹ thuật ra đời, vừa là dấu ấn của du lịch Tam Thanh, vừa thành sinh kế của nhiều người. Thu Trần nói, những hình vẽ sinh động, hấp dẫn như hình cá, tôm, ghẹ, ốc biển được bắt đầu từ đôi tay ngư dân, họ vẽ sống động bởi đó chính là cuộc sống của họ.
“Trước COVID-19, chính quyền xã nói anh Đức đã bán được rất nhiều túi và xã đã tổ chức bán đấu giá một số bức tranh vải của anh. Chính quyền xã thông báo với tôi gia đình anh đã chính thức thoát nghèo. Đó là một tin tốt làm tôi thấy hạnh phúc vô cùng.
Ở làng tôi luôn nhận được lời đề nghị: Cô Thu đi đâu lên xe tôi chở đi! Điều đó khiến tôi nghĩ rằng, có lẽ bà con luôn coi mình như người nhà, và tôi cũng chẳng nỡ rời xa Tam Thanh!” - họa sĩ Thu Trần chia sẻ.
Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống đích thực, nó có thể tùy từng mức độ để định hướng cho các sản phẩm từ mỹ nghệ đến ứng dụng thành sản phẩm du lịch. Và nghệ thuật cũng có sức hấp dẫn đặc biệt, với Tam Thanh, nó đã góp phần làm hồi sinh ngôi làng bằng cách thu hút khách du lịch tới tham quan, thưởng thức, thư giãn.
Những nghệ sĩ, họa sĩ đã làm cho Tam Thanh sống động hơn. Màu áo mới của ngôi làng là các tác phẩm tranh tường, nghệ thuật sắp đặt do 120 nghệ sĩ, họa sĩ, điêu khắc, tình nguyện viên cùng chung tay thực hiện nhiều năm nay.
Nhiều vật dụng tưởng chừng bỏ đi đã được tận dụng làm chất liệu, nguyên liệu để thành các tác phẩm sống động, hiện đại hơn với thông điệp bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian làng biển.
Họa sĩ Thu Trần vẫn luôn ước mơ được vẽ và vẽ, rồi chị lại trầm mình một thời gian để lắng lại, nghiền ngẫm chính bản thân mình…
Hiện tại, chị ở một miền biển khác - miền biển Phú Yên để vẽ và viết những vần thơ và sáng tạo những tác phẩm hội họa cho riêng mình. Đó chính là những phác thảo cho nhiều dự án sắp đặt và hội họa của chị. Mộng mị, vẫn là vẽ!
Và Quảng Nam, Hội An, Tam Thanh vẫn mãi là tình yêu lâu bền của Thu Trần!