Tiếng chuông ngân từ lòng đất
Tháng 4/2023, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Đây là nơi an nghỉ của 1.863 liệt sĩ và một mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc để bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc từ năm 1979 - 1989.
Nằm tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, nghĩa trang được xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991, ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tại Đền thờ liệt sĩ ở Nghĩa trang Vị Xuyên, Trưởng đoàn của chúng tôi kính cẩn thỉnh 3 hồi chuông. Trong thinh lặng của buổi trưa, tiếng chuông loang ra, thật dài, như chiêu hồn tử sĩ.
Đứng ở các dãy mộ trùng trùng, nhìn về phía trước dòng sông Lô, tôi bỗng nhớ lời thề trên đá của người lính Vị Xuyên: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của chiến sĩ nằm rải rác trên cao nguyên đá này chưa được tìm thấy.
Trải dài từ Hà Giang đến Cà Mau, mỗi tấc đất tấc biển Tổ quốc đều có xương cốt hóa thân như vậy. Tại Quảng Nam, hiện vẫn còn hơn 7.000 liệt sĩ chưa tìm kiếm được và hơn 22 nghìn mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Các khu căn cứ kháng chiến xưa đều nằm ở vùng rừng núi rộng, địa hình phức tạp. Đã 49 năm trôi qua, hiện trạng thay đổi gần như hoàn toàn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Việc khảo sát, tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ từ ngày đất nước thống nhất đến nay càng ngày càng khó, vì thông tin theo độ lùi thời gian càng mờ nhạt.
Sơ đồ mộ chí thất lạc, nhân chứng không còn nhiều, vật chứng không còn đủ. Nên đó vẫn còn là nỗi đau đáu của thế hệ đi qua chiến tranh còn sống đến hôm nay. Và là trách nhiệm của những người sinh ra trong thời hòa bình.
Chưa biết đến bao giờ, không còn những thông tin ngắn ngủi đăng trên các mục “Nhắn tìm thân nhân liệt sĩ”, “Tìm mộ liệt sĩ”, “Nhắn tìm đồng đội” trên các trang báo, web, mạng xã hội.
Trong dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Bồ Bồ (diễn ra cuối tuần qua), sẽ còn hằn sâu trong trong trí nhớ người hôm nay những cái ôm thật chặt của đồng đội còn sót lại.
Kỷ niệm chiến công lịch sử là để nhắc nhở người còn sống phải làm tốt hơn những gì đã và đang làm, để không phụ lòng tin và ước mơ của những người đã ngã xuống cho quê hương. Khối tình và tấc lòng các thế hệ đó, cũng sẽ được nhìn thấy trong dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức sắp tới đây.
Tôi lục tìm đọc lại cuốn sách “Thượng Đức - Cánh cửa thép bị mở toang”. Để giành được chiến thắng này, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Theo hồi ký của Trung tướng Hoàng Đan (nguyên là Quân đoàn phó Quân đoàn 2, người trực tiếp chỉ huy trận Thượng Đức), thì “Đó là trận đánh lớn, ta phải đổ xương máu, đổ mồ hôi công sức và tiền của rất nhiều. Cái giá thật ra chẳng rẻ chút nào”.
“Có khoảng 600 trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ hy sinh được tìm thấy. Số còn lại nằm đâu đó trên đồi Thượng Đức”. Đó là con số được đưa ra cách đây 10 năm, tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Đức - ý nghĩa và bài học lịch sử” do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huyện ủy Đại Lộc tổ chức trong dịp Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức. Cho đến hôm nay, số chiến sĩ nằm lại, vẫn khắp các đỉnh cao của “cụm cứ điểm” này.
Gần 50 năm ngày lập lại hòa bình trên đất nước, chiến công và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ được khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Và dằng dặc suốt nửa thế kỷ qua, cũng là nỗi ám ảnh của người thân khi thân xác những người đi qua cuộc chiến giờ hóa thành đất ở nơi nào đó. Họ rồi như tiếng chuông rung lên từ lòng đất mẹ, cho cỏ cây lên xanh, cho tiếng gió vi vút qua đèo, cho người ở lại hòa hợp, đồng lòng…