Kinh tế tuần hoàn - giải pháp phát triển bền vững
(QNO) - Trong thập kỷ qua, thế giới ghi nhận các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Các sáng kiến kinh tế tuần hoàn
Không giống mô hình kinh tế tuyến tính tập trung vào việc tiêu thụ nguồn tài nguyên một lần và sau đó loại bỏ chúng dưới dạng rác thải, làm gia tăng lượng rác và tác động tiêu cực lên môi trường, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại thành nguyên liệu sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường.
Liên minh châu Âu (EU) đi đầu với kế hoạch hành động KTTH ra đời vào năm 2015, cập nhật vào năm 2020, trong đó đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho khối gồm cấm nhựa sử dụng một lần và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Nhật Bản thành lập một xã hội dựa trên tái chế vào năm 2000 gồm sáng kiến 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế). Nhờ đó, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản cao hàng đầu thế giới. Năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải sử dụng phương pháp chôn lấp.
Năm 2009, Nhật Bản thành lập Diễn đàn KTTH và 3R khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, đóng vai trò là nền tảng để các nước trong khu vực hợp tác trên lĩnh vực này.
Liên minh KTTH châu Phi thúc đẩy các chính sách và thực tiễn, hỗ trợ nền KTTH trên khắp châu lục. Tại Hội nghị môi trường Liên hiệp quốc lần thứ sáu diễn ra đầu năm nay ở thủ đô Nairobi của Kenya, các nước châu Phi kêu gọi áp dụng nhanh chóng các hoạt động KTTH và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Kenya triển khai đạo luật quản lý chất thải bền vững toàn diện, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm thiểu chất thải, tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng vật liệu, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các sáng kiến phân loại và tái chế rác thải.
Tại Nigeria, chính sách quản lý chất thải năm 2020 tập trung vào việc giảm ô nhiễm nhựa thông qua các chương trình tái chế dựa vào cộng đồng. Cư dân được đào tạo để thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa, qua đó tạo ra cơ hội việc làm đồng thời giảm tác động đến môi trường.
Giải pháp công nghệ
Theo nhiều chuyên gia, chìa khóa của quá trình thay đổi là giáo dục, giúp mọi người hiểu các nguyên tắc KTTH. Ví dụ, một chương trình canh tác bền vững ở miền Nam Việt Nam kết nối sinh viên với nông dân địa phương để thúc đẩy các hoạt động thực hành nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, ứng dụng các giải pháp công nghệ cần thiết, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đẩy nhanh tiến độ của KTTH.
Ví dụ: AI có thể cải thiện việc phân tích dữ liệu và sử dụng tài nguyên, mang lại những hiểu biết sâu sắc và hiệu quả mới. Các hệ thống trang bị AI có thể dự đoán khi nào cần bảo trì, cải thiện tuổi thọ của sản phẩm cũng như giúp phân loại và tái chế vật liệu chính xác hơn.
Bằng cách thực hiện các nguyên tắc kinh KTTH, thế giới có thể đạt được tiến bộ tốt hơn về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, hành động vì khí hậu và tăng trưởng kinh tế bền vững.