Chính trị

Trở lại những vùng “đất lửa” - Bài 2: Đất thép dưới mưa bom

HỒ QUÂN 24/07/2024 12:00

Làng mạc bị san bằng, ngày ngày hứng chịu các đợt mưa bom bão đạn, thậm chí bị chia cắt bởi hàng rào điện tử McNamara chết chóc do đế quốc Mỹ giăng ra, song không thể lung lay những tấm lòng hướng về cách mạng của vùng đất Điện Hòa.

DIEN HOA 2
Một góc miền quê Điện Hòa hôm nay. Ảnh: H.Q

Chảo lửa Điện Hòa

Vết tích chiến tranh giờ đã nằm yên dưới những tán cây, mảnh vườn, dưới nhịp sống hối hả đang trải khắp các làng quê xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn). Song ký ức những năm tháng oanh liệt vẫn còn đó, trong tâm khảm của những người đi qua cuộc chiến.

Những ngày tháng 7, tôi về xóm Bùng, tìm gặp ông Trần Văn Chuẩn (71 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Bàn) theo lời giới thiệu của chính quyền địa phương, là nhân chứng sống của mảnh đất Điện Hòa trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ và tay sai.

Căn nhà ông Chuẩn đang sinh sống nằm trong khu vực Trảng Nhật, từng là nơi đóng quân của đế quốc, thực dân trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tại Trảng Nhật đế quốc Mỹ và tay sai xây dựng trở thành căn cứ vững chắc, luôn có một tiểu đoàn và một phi đội trực thăng của địch đứng chân để thực hiện các cuộc đàn áp nhân dân, lùng sục du kích, bộ đội hoạt động trong khu vực giáp ranh với TP.Đà Nẵng.

Không phải ngẫu nhiên mà địch luôn xem trọng Trảng Nhật. Đây là khu vực cao, có thể dễ dàng quan sát một khu vực rộng lớn từ quốc lộ 1 kéo dài lên đến Điện Hòa, khớp nối với căn cứ Bồ Bồ (ở xã Điện Tiến) từ trên nhìn xuống tạo thành một bức tường phòng thủ vững chắc.

Vùng đất Điện Hòa cũng là nơi rất nhiều nhà cách mạng, đơn vị chủ lực của các địa phương thuộc TP.Đà Nẵng lui về hoạt động; là con đường kết nối với hậu phương, căn cứ cách mạng của quân ta ở vùng núi các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn.

“Từ năm 1967, đế quốc Mỹ bắt đầu dồn dân, đưa xe cày ủi xóm Bùng, xóm Đồng, xóm Phường. Một khu vực rộng lớn, xanh tươi bỗng chốc thành đồng hoang, cỏ cháy, không còn mái nhà nào. Bất cứ hoạt động nào của người dân, du kích, bộ đội qua khu vực này đều không thoát khỏi tầm mắt của địch” – ông Chuẩn kể.

Mỗi ngày, trước khi lùng sục, địch bắt đầu nã bom từ căn cứ Trảng Nhật ra tứ phía để uy hiếp người dân, du kích. Sau đó, trực thăng quần thảo trên trời, địch hành quân phía dưới mặt đất, ào ạt đổ bộ vào làng, khép chặt mọi ngóc ngách. Không đếm xuể bao nhiêu tấn bom đổ xuống, khu vực xóm Bùng kéo lên đến Bích Bắc vốn đã thưa thớt, càng trở nên hiu vắng.

Năm 1968, đế quốc Mỹ bắt đầu thiết lập hàng rào điện tử McNamara – một sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara. Hàng rào chết chóc này kéo dài từ Điện Tiến xuống đến Điện Thắng nhằm bảo vệ an toàn cho TP.Đà Nẵng.

Chiều ngang hàng rào gồm 2 hàng bằng kẽm gai song song, cách nhau 100m. Bên trong là 12 dãy mìn, bao gồm mìn ríp LH14 và mìn 3 càng. Cách 1km có một chốt canh. Trong phạm vi 2km ở hai bên hàng rào không còn nhà cửa hay bụi cây nào. Bất kỳ ai qua lại trong phạm vi này đều sẽ bị bắn bỏ.

Tinh thần quật cường

Dù bị địch đàn áp, uy hiếp, song lớp cha trước, lớp con sau ở Điện Hòa cứ thế nối nhau cầm súng đánh giặc. Ông Chuẩn cũng không ngoại lệ. Thuở nhỏ, ông cùng nhóm bạn trong làng chăn trâu, nghe ngóng tin tức của địch rồi báo cho lực lượng du kích.

DIEN HOA 1
Ông Trần Văn Chuẩn – nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Bàn là nhân chứng sống của mảnh đất Điện Hòa trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ và tay sai. Ảnh: H.Q

Thỉnh thoảng lại bày trò trộm súng, trộm lựu đạn của địch, rồi nộp cho chính quyền địa phương để tăng cường hỏa lực cho các trận đánh. Năm 1970, khi mới 16 tuổi, mũi súng đeo trên lưng còn chạm đất, ông Chuẩn đã theo tiếng gọi của Tổ quốc, thoát ly, tham gia du kích địa phương.

Ông Chuẩn nói, súng đạn chẳng có nhiều, chủ yếu cướp của địch rồi đánh ngược lại. Địch thì đông, du kích lại hoạt động theo từng nhóm nhỏ, song vào trận phục kích cứ nhắm thẳng quân thù mà bắn. Có trận thắng, có lúc bị hỏa lực địch áp chế, thương vong nhiều nhưng chẳng ai nhụt chí mà lòng căm thù giặc càng dâng cao.

“Những năm 67 trở đi, hoạt động cách mạng khó khăn lắm. Làng mạc ngày nào cũng bị san ủi, du kích chỉ ẩn nấp trong căn hầm được đào dưới bụi chuối, bãi cỏ cháy hay dưới đường ray xe lửa…

Mùa mưa, không thể núp hầm thì xuống tận quốc lộ 1 rồi vòng lên để vượt qua hàng rào điện tử, về tránh trú ở làng Hà Tây hoặc lên trên làng Bích Bắc. Lúc địch đi lùng sục thì núp trên mái nhà, bờ sông… May mắn, du kích được dân làng chở che, bao bọc. Nhiều người bị kiềm kẹp trong các khu dồn dân vẫn tìm cách thoát ra, trở về làng làm cơ sở cách mạng” – ông Chuẩn kể.

Tiêu biểu cho tinh thần quật cường của cán bộ, du kích và nhân dân là làm phá sản hàng rào điện tử của Mỹ. Theo cuốn sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Hòa (1030 - 1976)”, địch làm ngày ta phá đêm.

Đêm đến, lợi dụng sơ hở của máy bay, xe tuần tra Mỹ, du kích địa phương tiến vào tháo gỡ khiến địch rào đi rào lại nhiều lần vẫn không xong. Có đêm, du kích phá đến 500m rào, gỡ hàng trăm quả mìn.

Khi bắt được thói quen tuần tra của địch, thậm chí du kích tháo mìn vào cả ban ngày, rồi đào hầm tránh trú ngay dưới hàng rào. Mìn gỡ được của địch, du kích sử dụng để đặt bẫy, tiêu diệt địch.

Những năm ấy, du kích địa phương đã tiêu diệt 4 xe cày ủi, 200 tên Mỹ - Ngụy và thu hàng trăm lựu đạn, mìn của địch. Từ 1970 trở về sau, địch gần như bó tay trong nỗ lực giữ lại hàng rào.

Những trận đánh vang dội

Cuối 1969, Mỹ - Ngụy dần chuyển sang chiến thuật tập kích bằng máy bay (hay còn gọi tàu chụp, tàu soi, tàu gáo). Ở nơi nào phát hiện cán bộ, bộ đội, du kích... thì địch nã rốc két ác liệt, rồi cho máy bay ập tới, đổ lính xuống, dồn bắt người.

DIEN HOA
Cơ sở cách mạng đặt tại một nhà dân ở Điện Hòa. Ảnh: Tư liệu xã Điện Hòa

Trên bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Tàu soi hoạt động vào ban đêm từ 17h đến 6h sáng hôm sau; còn tàu gáo hoạt động từ 5h sáng đến 17 giờ chiều.

Để phá kế hoạch sử dụng máy bay của Mỹ, cuối 1971, du kích Điện Hòa bắn rơi một chiếc tàu gáo của Mỹ ở làng Quang Hiện. Năm 1972, lực lượng vũ trang Điện Hòa tiếp tục bắn rơi 4 máy bay lên thẳng HU1A của địch. Từ đó, máy bay địch không dám lộng hành, ngang nhiên truy lùng bộ đội, du kích ở khu vực này nữa.

Giữa 1974, nghĩa quân Ngụy thường xuyên vào xóm Bùng cướp bóc, hà hiếp phụ nữ. Ông Trần Văn Chuẩn khi ấy là Xã đội trưởng quyết tâm ngăn chặn bọn giặc này.

Ông Chuẩn bố trí một tiểu đội, chia làm 3 cánh phục kích tại cống Ba Tình. Nằm ngoài dự tính của ông, khi bọn nghĩa quân từ Trảng Nhật lên thì phía sau có Sư đoàn 3 của địch bị thất trận ở Quế Sơn cũng về Điện Hòa ngay thời điểm đó.

Hai bên nổ súng, du kích tiêu diệt được 2 tên địch, làm bị thương 3 tên. Nhưng không may, ông Chuẩn và 2 du kích bị thương, sau đó 1 du kích hy sinh. Do bị thương, địch quân số đông nên tiểu đội đành rút lui. Sau trận phục kích đó, bọn nghĩa quân Ngụy không dám vào làng phá hoại, cướp bóc, mang lại niềm phấn khởi cho nhân dân…

Không thể kể hết những trận đánh oanh liệt, bao xương máu đã đổ xuống trên chặng đường khói lửa của mảnh đất Điện Hòa. Chỉ biết rằng, gian khó đã truôi rèn ý chí, bản lĩnh của những con người kiên trung, một lòng hướng về cách mạng. Và họ là nhân tố quan trọng cho hành trình khai hoang phục hóa, triệt phá bom mìn…, để mang màu xanh trở lại quê hương.
--------------------------
Bài cuối: Chặn đứng vành đai trắng

HỒ QUÂN