Phát triển nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh
Việc tổ chức hội thảo “Xây dựng và quản lý phát triển nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh” góp phần tạo cơ sở để sản phẩm đặc trưng của huyện Thăng Bình nâng cao giá trị, mở rộng thị trường hiệu quả.
Tăng sự nhận diện thương hiệu
Lần đầu tiên, UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển nguồn nhân lực (Đại học Thái Nguyên), Sở KH-CN tổ chức Hội thảo “Xây dựng và quản lý phát triển nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh”. Đây là cơ sở quan trọng góp phần quảng bá thương hiệu đặc trưng của Thăng Bình.
Xã Bình Minh được biết đến với nhiều loại hải sản tươi ngon nổi tiếng, đặc biệt là mực cơm. Khi đánh bắt được mực cơm, ngư dân cẩn thận dùng các dụng cụ riêng cho mực không bị va chạm, giữ nguyên cho da mực tươi và nhấp nháy các chấm sao. Sau khi chế biến, mực có vị thơm ngọt đặc trưng.
Mực cơm xuất hiện cao điểm từ tháng Giêng đến tháng 6, thời gian này làng nghề hấp mực tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh tấp nập kẻ mua người bán.
Hiện trên địa bàn xã có khoảng 150 hộ tham gia nghề hấp mực. Thương hiệu mực cơm Bình Minh hình thành đã tạo sinh kế ổn định cho cả ngư dân lẫn cơ sở chế biến loại đặc sản này.
Theo ThS.Phạm Anh Định - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Cao đẳng kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng, mực cơm Bình Minh được nhiều người ưa thích bởi hương vị tươi ngon và giàu dinh dưỡng.
Đặc điểm nổi bật của mực có kích thước nhỏ, vừa ăn, thịt mực có vị ngọt, mềm và thơm đặc trưng. Do đó cần tạo lập hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Giải pháp được ThS.Phạm Anh Định đưa ra là phải chú trọng đến việc nghiên cứu, phân tích thị trường; xác định được tiêu chuẩn chất lượng.
Phải xây dựng được hình ảnh nhãn hiệu sao cho nổi bật, thu hút và thể hiện được nét đặc trưng của mực cơm Bình Minh.
Ngoài ra còn kéo theo nhiều công việc phải làm như đăng ký nhãn hiệu, quảng bá, tiếp thị nhãn hiệu; xây dựng và duy trì uy tín đã có từ lâu…
Quá trình xây dựng thương hiệu mực cơm Bình Minh không thể bỏ qua vai trò của logo. Bởi nó không chỉ là một biểu tượng đơn thuần mà còn là hình ảnh đại diện cho giá trị, bản sắc và cam kết của thương hiệu đối với khách hàng.
Tại hội thảo, TS.Bùi Như Hiển - Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) đưa ra một số mẫu logo và thuyết minh. Theo TS.Hiển một logo tốt giúp sản phẩm nổi bật trên thị trường, tạo dựng sự nhận diện thương hiệu một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
“Qua việc sử dụng hình ảnh mực cơm kết hợp với yếu tố văn hóa địa phương, logo không chỉ thu hút sự chú ý mà truyền tải câu chuyện về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Logo cũng hỗ trợ các chiến dịch marketing, quảng bá trên nhiều nền tảng giúp mở rộng thị trường và tăng doanh thu”- TS.Bùi Như Hiển nói.
Sớm bảo hộ sản phẩm
Theo ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, mỗi năm ngư dân địa phương cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn mực cơm. Mực cơm Bình Minh đã có thương hiệu hơn 10 năm qua. Thời gian đánh bắt mực cơm của ngư dân kéo dài có thể hơn 8 tháng/năm.
Việc chứng nhận nhãn hiệu mực cơm Bình Minh từ cơ quan chức năng về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm sẽ tạo động lực để người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm mực cơm Bình Minh trên phạm vi cả nước, giúp mang lại lợi ích kinh tế cho ngư dân.
Ông Tới cho rằng, việc xây dựng logo cần phải mang vào đó đặc trưng của vùng biển ngang như thuyền hoặc thúng vì địa phương có đến 70% dân số sống bằng nghề biển. Ngoài ra phải có điểm nhấn trên logo để người dân cả nước khi nhìn thấy nhận biết được đó là vùng biển Bình Minh, tỉnh Quảng Nam.
Ngư dân Trần Công Nhiều (Bình Minh) cho hay hình tượng con mực nháy Bình Minh trên thân phải có chấm đỏ. Râu mực phải có 2 râu dài hơn để phân biệt với những con mực vùng khác, đây cũng thể hiện sự mạnh mẽ của mực cơm vùng biển ngang.
Cũng tại hội thảo, nhiều ngư dân, các nhà chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến góp ý cho logo mực cơm Bình Minh; cảm quan về sản phẩm mực cơm; xây dựng các mô hình quán lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; điều kiện kinh tế - xã hộị ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mực cơm Bình Minh…
TS.Vũ Quỳnh Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển nguồn nhân lực (Đại học Thái Nguyên) cho hay, tháng 12/2023, nhóm nghiên cứu của viện đã tiến hành lên ý tưởng và tiến hành khảo sát tại Bình Minh vào tháng 3/2024.
Đến nay nhóm đã hoàn thiện các bước quan trọng để tiến đến hội thảo. Qua các ý kiến góp ý, viện sẽ hoàn chỉnh lại toàn bộ nội dung, sau đó gửi lại cho các ngành, địa phương xem xét, thống nhất…
TS.Vũ Quỳnh Nam cho rằng, việc xây dựng và quản lý phát triển nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh là rất cần thiết. Bởi hiện nay, việc đánh bắt mực phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thị trường chưa ổn định, giá bán bấp bênh.
Vì vậy, cần sớm bảo hộ sản phẩm để mực cơm Bình Minh vươn ra thị trường lớn, đem lại giá trị sản xuất, tương xứng với tiềm năng sẵn có và giá trị truyền thống của địa phương.