Khắc sâu kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Có thời gian 4 năm gần gũi, công tác cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hoàng Châu Sinh (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam không nén được xúc động, tiếc thương khi nhắc về người lãnh đạo, người anh, người đồng nghiệp của mình hơn 55 năm về trước.
Năm 1968, ông Hoàng Châu Sinh (SN1944) về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang là cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng.
Suốt 4 năm ăn, ở tập thể cùng nhau đã khắc sâu trong trí nhớ ông Sinh những ký ức không phai về một người lãnh đạo tương lai với trí tuệ siêu việt, tư duy sắc sảo nhưng cũng rất chân tình, bình dị…
Người bạn chân thành
Năm 1954, ông Hoàng Châu Sinh là học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Năm 1964, ông học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang học năm 2, trên ông Sinh một khóa. Dù chung khoa, chung trường nhưng do điều kiện khó khăn, thường xuyên sơ tán nên cả hai không biết nhau.
Tháng 8/1968, tốt nghiệp đại học, ông Hoàng Châu Sinh về nhận công tác ở Tạp chí Học tập, hai ông trở thành đồng nghiệp. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, còn ông Hoàng Châu Sinh công tác ở Tiểu ban Khoa giáo.
“Do tôi và anh Nguyễn Phú Trọng đều độc thân nên cơ quan bố trí ở chung phòng trong khu nhà tập thể cơ quan (số 1 Nguyễn Thượng Hiền, TP.Hà Nội). Ngoài tôi và anh Nguyễn Phú Trọng còn có anh Nguyễn Tiến Hải (đã mất)” - ông Hoàng Châu Sinh kể.
Trong 4 năm công tác cùng cơ quan Tạp chí Cộng sản (1968 - 1972), ông Hoàng Châu Sinh có cơ hội gần gũi, sinh hoạt, làm việc với một người anh, người lãnh đạo bình dị, chân tình nhưng rất sâu sắc, tâm lý.
“Lúc đó, anh Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Chi đoàn, tôi là Phó Bí thư Chi đoàn của Tạp chí nên hầu như tất cả buổi sinh hoạt chi đoàn anh Trọng và tôi đều tham gia.
Anh Nguyễn Phú Trọng luôn điềm tĩnh nhưng tư duy rất nhạy bén. Tôi nhớ năm 1971 cơ quan Tạp chí Cộng sản tổ chức chuyến đi thực tế về xã Dương Liễu, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) nhằm bồi dưỡng cán bộ làm báo trẻ. Tôi ở chung nhóm nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng với anh Nguyễn Phú Trọng.
Kết thúc chuyến thực tế, khi được đại diện phát biểu ý kiến với lãnh đạo địa phương về tình hình nông dân, sản xuất, hợp tác xã… anh Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện những nhận định sắc sảo, kể cả bài thu hoạch sau chuyến đi cũng trội nhất” - ông Hoàng Châu Sinh nhớ lại.
Lời hẹn chưa kịp thực hiện
Tháng 8/1972, ông Hoàng Châu Sinh xung phong đi B (vào Nam), mãi đến năm 1995 trong buổi họp lớp học sinh miền Nam tại Hà Nội ông mới gặp lại người anh, người bạn một thời tuổi trẻ của mình.
Với ai, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng ân cần thăm hỏi về công việc, công tác, hoàn cảnh gia đình… Sau này, trong những dịp công tác ra Hà Nội, ông Hoàng Châu Sinh đều ghé thăm gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 13/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của Trung ương vào làm việc tại Quảng Nam. Trong đêm Tổng Bí thư lưu lại Nhà khách UBND tỉnh, ông Hoàng Châu Sinh đã đến thăm. Tổng Bí thư vẫn chân tình, gần gũi tiếp chuyện người bạn cũ năm xưa.
“Trong buổi nói chuyện tôi gợi ý mời anh Trọng nếu có dịp vào lại sẽ đưa anh đi thăm Quảng Nam thêm lần nữa. Tôi nhớ anh nói, khi nào mình về hưu sẽ cùng bà xã vào, lúc đó cậu muốn đưa mình đi đâu cũng được. Nhưng bây giờ thì lời hẹn này sẽ mãi không bao giờ được thực hiện”- giọng ông Hoàng Châu Sinh chùng xuống.
“Lúc còn công tác ở Tạp chí Học tập, biết tôi là học sinh miền Nam xa gia đình, nên anh Trọng rất tâm lý, thường xuyên đưa tôi đi thăm chỗ này chỗ khác cho khuây khỏa.
Kể cả người yêu của anh Trọng là cô Ngô Thị Mận (nay là phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) cũng dung dị, chân chất. Ngày cưới của anh Trọng, anh em cơ quan cùng nhau tổ chức rất thân tình và ấm áp” - ông Hoàng Châu Sinh bồi hồi nhớ lại.
Ông Sinh chia sẻ, những ngày này ông rất muốn ra Hà Nội viếng hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng điệu kiện không cho phép. Từ phương xa, ông xin tưởng nhớ và gửi đến người anh lớn năm xưa nén tâm nhang với niềm tiếc thương vô hạn...