Môi trường

Thúc đẩy bảo tồn biển miền Trung đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn

QUỐC TUẤN 26/07/2024 09:58

(QNO) - Ngày 26/7, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội thảo "Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên" lần thứ V với chủ đề "Bảo tồn biển".

20240726_093125.jpg
Quang cảnh phiên toàn thể hội thảo. Ảnh: Q.T

Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu là đại diện một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức cộng đồng... Về phía Quảng Nam có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Đây là hội thảo thường niên do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức với chủ đề thay đổi theo từng năm. Đây cũng là lần đầu tiên ban tổ chức chọn chủ đề bảo tồn biển để có cơ hội đóng góp cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển của khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

20240726_090953.jpg
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam trình bày báo cáo tại phiên toàn thể. Ảnh: Q.T

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã chia sẻ nhiều báo cáo quan trọng như: đồng quản lý với công tác bảo tồn và phát triển bền vững; quy hoạch không gian biển và phát triển kinh tế biển ở Việt Nam; quy hoạch bảo tồn biển Việt Nam; OECM - cơ hội mới cho bảo tồn biển ở Việt Nam; kinh nghiệm về bảo tồn biển gắn với phát triển du lịch...

Khu vực duyên hải miền Trung có 14 tỉnh, thành phố giáp biển với bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260km). Là khu vực tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo rất đẹp, cùng hệ sinh thái đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thông vận tải. Biển khu vực miền Trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn, với nhiều khu bảo tồn biển có giá trị.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện ban tổ chức hội thảo cho biết, bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực duyên hải miền Trung nói riêng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Điều này dẫn đến các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tác động do đô thị hóa nhanh, khai thác vùng ven bờ quá mức…

img_20240726_094146.jpg
Hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An. Ảnh: Q.T

Hội thảo kéo dài trong 2 ngày 26 - 27/7 là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các bên liên quan.

Qua đó, cùng chung tay hành động để hiện thực hoá Nghị quyết số 36, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện những cam kết quan trọng của Việt Nam với quốc tế liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững như thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; cam kết “phát thải ròng bằng zero” vào năm 2050; tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu để bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới các Khu bảo tồn biển; cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

QUỐC TUẤN