Indonesia tung "thị thực vàng" thu hút đầu tư
(QNO) - Ngày 25/7/2024, Indonesia chính thức triển khai chương trình "thị thực vàng" (golden visa) để thu hút đầu tư kinh doanh và chuyên gia có tay nghề cao.
Chương trình "thị thực vàng" của Indonesia có thời hạn 5 năm yêu cầu nhà đầu tư cá nhân phải thành lập công ty có giá trị 2,5 triệu USD trong khi thị thực 10 năm yêu cầu khoản đầu tư 5 triệu USD tại Indonesia.
Nếu cá nhân không muốn thành lập công ty tại Indonesia thì phải đầu tư 350 nghìn USD và 700 nghìn USD để có thời hạn thị thực 5 năm và 10 năm tương ứng. Số tiền đó có thể sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ Indonesia và cổ phiếu công ty đại chúng, hoặc gửi tiền vào ngân hàng nhà nước của Indonesia.
Các công ty có thể xin thị thực cho giám đốc và ủy viên bằng cách cam kết đầu tư 25 triệu USD để lưu trú 5 năm hoặc 50 triệu USD để lưu trú 10 năm tại Indonesia.
Người nước ngoài có thể gửi 130 nghìn USD vào một ngân hàng nhà nước của Indonesia và mua một căn hộ có giá trị từ 1 triệu USD trở lên để được cấp thị thực 5 năm.
Chương trình "thị thực vàng" cũng bao gồm trợ cấp nhập cảnh nhiều lần, cho phép các thành viên gia đình trong đơn đăng ký được chấp nhận như vợ/chồng và con cái để trải nghiệm cuộc sống ở Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết các yêu cầu trên nhằm thu hút các nhà đầu tư và chuyên gia chất lượng để đóng góp tích cực cho nền kinh tế Indonesia cũng như giúp đơn giản hóa quy trình cho người nước ngoài xin giấy phép cư trú để đầu tư và làm việc tại Indonesia.
Ông Silmy Karim - Giám đốc Cơ quan di trú Indonesia thông tin nước này đến nay cấp phép "thị thực vàng" đầu tư cho gần 300 người nộp đơn kể từ khi bắt đầu thí điểm chương trình vào năm 2023, thu hút 123 triệu USD.
Theo các chuyên gia, chương trình "thị thực vàng" của Indonesia sẽ giảm số lượng dân du mục kỹ thuật số và người lưu trú dài ngày khác nhưng lại không đóng góp nhiều cho nền kinh tế địa phương trong khi sử dụng thị thực du lịch để sinh sống tại các điểm đến phổ biến như Bali.
Indonesia đặt mục tiêu thu hút 101,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài vào năm 2024, giúp Indonesia đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,2%.
Chương trình "thị thực vàng" là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Indonesia nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ.
Chính phủ Indonesia công bố ghi nhận khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 204,4 nghìn tỷ rupiah, tương đương khoảng 12,5 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2024.