Anh thương binh vừa tròn mười bảy
Nguyễn Cự vừa tròn 17 tuổi đã để lại một phần thi thể trên mảnh đất quê nhà. Dù đã 3 lần phải cưa chân nhưng Nguyễn Cự vẫn chiến đấu và cống hiến hết mình cho quê hương.
Sớm giác ngộ cách mạng
Nguyễn Cự sinh ra tại xóm Đồng, làng Bích Trâm xã Điện Hòa, Điện Bàn, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1964, mới 13 tuổi anh đã tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong của xã, làm nhiệm vụ cảnh giới, đào hầm hào chiến đấu và tìm nhặt vũ khí của địch về giao nộp cho du kích.
Năm 1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đến đầu năm 1966 thì vào đóng đồn ở nổng Bích Trâm, Trảng Nhật và Bàu Sấu (Điện Hòa). Chúng xây dựng nhiều lô cốt, vành đai có cả sân bay để máy bay trực thăng lên xuống. Từ đây Mỹ tổ chức hành quân các vùng lân cận, lùng sục bố ráp đánh phá các cơ sở của ta.
Sau ngày giải phóng, Nguyễn Cự được tin tưởng giao đảm nhận nhiều chức vụ, làm Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã nhiều nhiệm kỳ. Năm 2000, ông được điều về làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn cho đến ngày về hưu năm 2011. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, cùng nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và bằng khen các loại...
Để phá vỡ kế hoạch “Tìm diệt” và “Bình định” của địch, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà phát động phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lấy vũ khí Mỹ để đánh Mỹ. Phong trào chiến tranh nhân dân và du kích chiến tranh ở Điện Hòa phát triển mạnh mẽ.
Xã thành lập Tổ du kích mật mang tên Tổ du kích Nguyễn Văn Trỗi do Nguyễn Cự làm tổ trưởng, gồm các thành viên nòng cốt Nguyễn Văn Nhỏ, Phan Văn Chữ… Nhiệm vụ của tổ là tìm vũ khí địch để trang bị và cải tiến thành mìn, tổ chức những trận đánh bất ngờ, táo bạo khiến địch hoang mang.
Đến cuối năm 1966, Tổ du kích mật đã thu nhặt, cải tiến được 45 quả mìn các loại, trực tiếp tổ chức hàng chục trận đánh địch từ xóm Đồng, Bàu Trai, xóm Phường, xóm Bùng và tuyến đường Bàu Sấu - Trảng Nhật… Kết quả tiêu diệt được 40 lính Mỹ - ngụy, bị thương 5 tên, thu 1 khẩu súng và nhiều đạn dược các loại. Nguyễn Cự còn tổ chức đặt 35 bàn chông sắt, làm Mỹ sập hầm gây sát thương hàng chục tên.
Năm 1967, địch tiếp tục hàng loạt trận càn lớn nhỏ vào địa bàn. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Nguyễn Cự tổ chức cho Tổ du kích mật tháo thuốc của đại bác và đạn cối chưa nổ, đúc thành nhiều khối mìn có trọng lượng 2-3 ký, tạo sức công phá mạnh có thể đánh cả xe tăng và các xe trọng tải lớn.
Từ năm 1967 - 1969, Nguyễn Cự đã tổ chức đánh 6 trận quy mô và nhiều trận khác, phá hủy 1 xe GMC chở thực phẩm, 1 xe chở đất làm đường, 1 xe tăng M41, đánh sập vọng lâu cao 20m ở đồn vườn Nghè Dung, 2 cống giao thông trên trục Trảng Nhật - cầu Bàu Sấu gây tổn hại trang bị, quân địch chết và bị thương hàng chục tên.
Ba lần cưa chân
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, địch ào ạt mở các cuộc hành quân càn quét nhằm “bình định” lấn chiếm đất đai, tiêu diệt cơ sở cách mạng.
Tháng 3/1968, chúng bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử Macnamara lập tuyến phòng thủ từ xa. Chúng cày ủi, đốt nhà, dồn dân xuống Hà Tây để kiểm soát, không cho cán bộ du kích nằm vùng hoạt động trong dân.
Sau nhiều lần thăm dò nghiên cứu, Nguyễn Cự đề xuất với lãnh đạo cho anh tổ chức gỡ mìn trong hàng rào điện tử để mở lối đi. Ngày 5/9/1969, phương án tổ chức gỡ mìn trong vành đai được xây dựng chu đáo.
Nguyễn Cự trực tiếp gỡ, Trần Thị Mai cảnh giới địch, Nguyễn Văn Nhỏ, Nguyễn Đình Sơn tiếp nhận mìn chuyển ra giấu ở bụi tre. Đây là một bãi mìn mật độ rất dày, mỗi mét có 1 trái 3 càng, chung quanh là mìn rip gài theo hình chữ M, chữ V, chữ L...
Nguyễn Cự phải dùng cây keo mứt nhọn để xoi sâu vào đất thăm dò, rất khó phân biệt được khi đầu cây chạm vào gạch đá hay mìn. Sau hơn một tiếng đồng hồ thử nghiệm, Nguyễn Cự đã phát hiện ra tiếng kêu khác nhau khi cây chạm vào mìn và gạch nên gỡ thành công 4 trái mìn đầu tiên.
Đặt bẫy mìn tinh vi, nhưng địch không ngờ người tổ trưởng du kích mật năm ấy đã mưu trí, dũng cảm phá được bãi mìn chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ. Nguyễn Cự đã gỡ được 139 trái mìn để tạo ra con đường vào hàng rào phía nam cán bộ du kích ra vào hoạt động được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, đến trái cuối cùng không may anh thả gót chân chạm đất giậm ngay trái mìn rip, tiếng nổ chát chúa xé nát một phần chân trái, máu chảy lênh láng.
Nguyễn Cự vẫn bình tĩnh nói với anh em về xóm Đồng báo tin cho bà con tìm cách lên cứu mình, đồng thời xé áo buộc garo chân gãy rồi cố hết sức bình sinh bò ra ngoài rào.
Đến chạng vạng tối, tình hình yên ắng bà con dùng cán khiêng Nguyễn Cự đến đồn Mỹ ở Trảng Nhật nói Mỹ bắn đạn pháo làm trẻ giữ trâu bị thương. Có lý do chính đáng nên Mỹ băng bó, gọi trực thăng chở Nguyễn Cự đến bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị. Bốn ngày sau Nguyễn Cự mới tỉnh lại, toàn thân tê buốt, mất một chân và bị thương khắp người.
Một tháng sau vết thương ở chân nhiễm độc (vì giẫm trúng trái mìn có chấm đỏ) thường xuyên ra mủ. Các bác sĩ đã phải cưa chân Nguyễn Cự hai lần để cắt bỏ đoạn bị nhiễm trùng nhưng tình trạng vẫn tái phát. Tháng 12/1969 họ phải chuyển Nguyễn Cự vào bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn điều trị cưa chân lần thứ ba.
Tháng 4/1970 Nguyễn Cự ra viện, về lại xóm Đồng tiếp tục làm Tổ trưởng Tổ du kích mật. Mặc dù thương tật nặng nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường Nguyễn Cự đã cùng đồng đội tổ chức những trận đánh táo bạo, mưu lược trên địa bàn xã, làm nên những chiến công hiển hách, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương.