Cuộc sống thường ngày

Cha tôi là bệnh binh

ZƠRÂM THỊ TÝ 28/07/2024 09:03

Chứng kiến cha nhiều lần bị cơn sốt co giật, thậm chí có lúc ông nằm gục xuống vì cơn đau hành hạ, tôi mới biết cuộc đời sương gió của ông đã phải chịu nhiều di chứng của chiến tranh...

img_0116.jpg
Như một thói quen, ngay khi ở nhà, cha tôi cũng đều mặc trang phục quân đội. Ảnh: ZƠRÂM THỊ TÝ

Lúc nhỏ, nghe cha kể về những trận đánh ác liệt, tôi chưa mường tượng được sự tàn khốc của chiến trận. Chỉ mơ hồ theo câu chuyện nên biết ông từng tham gia giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau đó tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia.

Cha kể, năm 1971 ông nhập ngũ. Là con trai một lại mồ côi cha từ nhỏ, nhưng tinh thần tuổi trẻ thôi thúc ông lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương.

Từ ngày đầu nhập ngũ tại Huyện đội Bến Giằng đến khi giải phóng, cha được giao làm nhiệm vụ trinh sát nắm địa bàn, vận động bà con gùi nhu yếu phẩm từ núi xuống cung ứng cho bộ đội, phục vụ cách mạng. Sau này, có thời điểm ông làm văn thư bảo mật và công tác hậu cần của đơn vị.

Năm 1980, cha tôi được chuyển công tác, làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật bắn súng bộ binh tại Trường Quân Chính 2 (thuộc tỉnh Gia Lai). Nhưng chỉ được hai năm, ông lại tiếp tục cầm súng lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở vùng Đông Bắc Campuchia.

Ở chiến trường Tây Nam, sự khốc liệt không kém cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ông kể, suốt những cuộc giao tranh, bom mìn được gài khắp nơi. Có nhiều đồng đội của ông, sáng vẫn theo cuộc hành quân nhưng đến trưa hoặc chiều không còn trở về nữa.

Ở trung đội cũ, cha tôi là người dân tộc thiểu số duy nhất. Nhanh nhạy và gan lỳ nên ông được đồng đội quý mến. Và ông cũng là một trong số ít thành viên của đơn vị làm nhiệm vụ ngày ấy may mắn vượt qua bom đạn và bệnh tật để trở về.

Nhưng, vết tích sau cuộc chiến là mảnh mìn găm vào đùi phải, khiến ông mang thương tật cho đến bây giờ. Ông nói, lúc ấy nếu không có hai người đồng đội ứng cứu kịp thời, chắc ông đã không còn sống sót...

Ký ức cũ chợt ùa về, cha tôi rơm rớm nước mắt. Ông kể, những lần ở trong rừng rậm, ông và những người lính không chỉ đối mặt với đạn mìn mà còn phải chống chọi với sốt rét và rắn độc. Một lần ông suýt bỏ mạng khi rắn lục bò sát người nhưng may mắn không bị cắn vì phát hiện sớm.

Suốt 3 năm ở chiến trường K, ông bị sốt rét liên tục đến nỗi vàng da, vàng mắt. Lần cuối cùng, ông bị sốt rét ác tính phải điều trị 2 tháng trời ở tỉnh Stung Treng (Campuchia) nhưng không đỡ nên được đưa về nước, tiếp tục điều trị ở Gia Lai và TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Di chứng bệnh sốt rét khiến ông mờ mắt trong khoảng thời gian khá dài.

Đi làm nhiệm vụ biền biệt 3 năm ở chiến trường K, có người đồn cha tôi hy sinh ở đó. Bà nội nghe tin, làm mâm cơm khóc tế (người Ve gọi là clâu nham) từ nhà lên rẫy suốt mấy ngày liền. Mẹ tôi động viên bà nội và có niềm tin cha tôi sẽ bình an trở về. Niềm tin đó, trở thành hiện thực dẫu suốt đời ông mang căn bệnh trong người như di chứng của chiến tranh tàn khốc.

Mùa đông năm 2023, tôi chở ông đi thăm khu tượng đài mẹ Thứ. Ông đứng lại ngắm nghía từng bức tượng thật lâu, rồi thầm thì gì đó. Thoảng theo cơn gió rít, tôi kịp nghe ông tâm sự, đại ý rằng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhiều lúc ai hỏi về cha mình, tôi kiêu hãnh nói “Cha tôi là bệnh binh”.

ZƠRÂM THỊ TÝ