Còn thương bánh canh thì về phố Hội
Bên cạnh cao lầu, xí mà, bánh bao bánh vạc… nhiều du khách đến Hội An cũng đã “trót” ghiền bánh canh phố cổ.
Hội An, quán bánh canh đôi khi chỉ giản dị là một đôi quang gánh di động - người bán gánh theo “quán ăn” của mình đi dọc phố phường. Mỗi khi có người gọi, chỉ cần tìm khoảng đất trống, xếp vài chiếc ghế nhựa, món ăn được dọn ra. Du khách còn có thể tìm đến những quán bánh “cổ truyền”, nổi tiếng có tuổi đời hàng chục năm như bánh canh chả cá chùa Cầu, bánh canh cô Xuân, bà Quýt…
Dẫu thưởng thức bánh canh đường phố hay tại các điểm bán nổi tiếng, thực khách vẫn cảm nhận được những điều thân thuộc, bình dị. Mùi thơm của bột gạo, vài cọng hành ngò như đã gói trọn hương vị vườn quê. Nồi bánh đang liu riu bên bếp than hồng gợi nhớ về khoảng trời tuổi thơ trong chái bếp sau nhà với những món ngon giản dị.
Một trong những nguyên nhân khiến bánh canh Hội An luôn được nhiều du khách chọn lựa trong bộ “sưu tầm” quà vặt phần nào là nhờ giá cả. Hầu hết chủ quán bánh canh là người dân cư trú trên địa bàn, không thuê mặt bằng nên lấy số bán nhiều làm lời.
Nguyên liệu không phải hàng nhập mà được làm thủ công từ cây nhà lá vườn nên giá cũng khá “thân thuộc”, bình dân. Từ 15 ngàn đồng đã có một tô bánh nóng hổi, đủ để thỏa mãn những người con phố Hội từ học sinh, sinh viên đến người dân lao động.
Du khách phương xa không chỉ được khám phá một thức quà mà còn có thể dừng chân nghỉ ngơi rồi râm ran đôi ba câu chuyện. Thế nên, không chỉ bắt gặp một vị quê trong món ngon quen thuộc, thực khách như đi ngược thời gian trở về góc chợ quê ngày cũ với những món quà vặt giản dị, thân thương.
Thưởng thức bánh canh phố Hội hình như lúc nào cũng được, dù là sáng sớm hay chiều muộn. Ban đầu, món bánh canh Hội An đơn giản chỉ là món ăn chơi, ăn vặt của cư dân bản địa, nhưng qua thời gian, bánh canh Hội An đã làm thành “thương hiệu” mê mẩn nhiều thực khách.
Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, qua khâu nhào bột cẩn thận và kỹ lưỡng. Bột tiếp tục được cán mỏng thành miếng rồi dùng dao cắt thành những sợi nhỏ vừa ăn. Cuối cùng là đem sợi bánh canh đi luộc chín. Sau khi bánh chín, cần nhanh tay vớt ngay ra nước lạnh để bánh không bị dính vào nhau cũng như giữ được độ dai dẻo.
Làm nên hồn cốt bánh canh phố cổ, không chỉ từ những sợi bánh mà nước dùng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tùy theo từng loại bánh canh mà có sự linh hoạt trong khâu chế biến nước dùng như bánh canh ghẹ, chả, giò heo thì thêm các loại nguyên liệu tương ứng. Dẫu được biến tấu thay đổi để hợp khẩu vị thực khách tại từng thời điểm nhưng bao năm qua vẫn có chung vị ngọt thanh từ nước xương heo hầm.
Không biết từ bao giờ, từng sợi bánh canh đã góp phần gắn kết thêm tình cảm giữa người phố Hội với du khách. Đó là giá trị lớn được tạo nên từ một tô bánh nhỏ nhắn, thân thương.
Vì vậy, để Hội An luôn được “bảo tồn” trong lòng du khách, đôi khi phải bắt đầu từ những thức quà đơn giản - như việc giữ nguyên vị tô bánh canh Hội An giữa lòng phố xá. Có như thế, một lần đến với ẩm thực Hội An, du khách mới thực sự được trở về với bếp nhỏ nhà mình, bước chân ra đi không đành!