Tác phẩm, tác giả

Còn thú chơi sách, còn mê việc đọc

NGUYÊN TRANG 28/07/2024 10:37

Học giả Vương Hồng Sển có lẽ là người đầu tiên định nghĩa “thú chơi sách” bằng cả một cuốn sách cùng tên. Thế nhưng thú chơi sách phong lưu của những người trí thức đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu về trước, trong một nền văn hóa trọng chữ nghĩa, chăm sách đèn.

img_1904.jpeg


Ấn phẩm Thú chơi sách của Vương Hồng Sển in lần đầu năm 1960 được niêm yết giá bảy triệu đồng và từng được bán đấu giá năm 2019 lên đến ba mươi lăm triệu đồng. Ảnh: Internet.

Từ tấm bé, trẻ con nào cũng được ông bà, cha mẹ, thầy cô răn dạy phải biết quý sách. Họ nói sách quý hơn vàng, đồng thời xem việc một đứa trẻ con đi học là chuyện trọng đại của gia đình.

Nguồn cơn sách quý hơn vàng

Nhưng nguồn cơn của truyền thống trọng chữ trọng sách này xuất phát từ đâu?

Câu trả lời có đầy rẫy trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, với: Học trò đèn sách hôm mai/ Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào/ Làm nên quan thấp, quan cao/ Làm nên vọng tía võng đào nghênh ngang.

Dưới thời phong kiến, cấp bậc xã hội phân chia rất rõ sĩ - nông - công - thương. Người có học đứng vị trí cao nhất, có thể được thong thả “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, được gia đình hoặc vợ nuôi thân, không mấy khi mó tay vào việc nặng, chỉ việc đèn sách sớm hôm. Mục tiêu là để mai sau thi đậu, thành ông Tú, ông Cử, ông Cống, được nằm võng bái tổ vinh quy, được làm quan cho cả họ được nhờ.

Khoa cử là con đường tiến thân nhanh nhất và gần như là duy nhất của người xưa. Do vậy, trọng chữ trọng chuyện học hành là điều đương nhiên.

Học từ đâu bây giờ? Học từ thầy, đương nhiên rồi, nhưng làm sao cho đủ? Còn phải học từ sách. Mà in ấn khi xưa khó khăn, tốn kém, lượng sách lưu hành ít ỏi và quý hiếm. Một người sở hữu được đôi ba cuốn sách thánh hiền là coi như có chữ bỏ bụng, vượt xa người thường.

So tài với nhau, ngoài sự thông minh nhanh nhẹn trời phú, còn so sự quảng bác trong chuyện đọc sách, bảo sao sách không quý cho được. Để vàng cho con sợ con xài hết, chứ để sách cho con biết đâu con đại đăng khoa.

Khuyên ai đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Mai sau nối được nghiệp nhà/ Trước là mát mặt sau là vinh thân.

img_1911.jpeg
Xếp kệ sách theo màu. Ảnh: Lê Thị Tú Huyền. Hội Yêu Sách.

Nếp nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để chúng ta có một thời hoàng kim của sự học. Và cả khi nền giáo dục ngày càng đi xuống, tinh thần hiếu học trong từng gia đình đã chống đỡ và giữ gìn cho lòng chuộng sách có chốn dung thân.

Sách quý vì hiếm

Ngày nay, sách - xuất bản phẩm - sản phẩm của ngành xuất bản đã không còn quý hiếm nữa. Sách đầy rẫy khắp nơi. Sách cũ sách mới được đưa về các thư viện, lớp học nhằm khuyến khích văn hóa đọc.

Thậm chí sách điện tử tính phí và miễn phí cũng được chia sẻ ở mọi ngóc ngách trên mạng. Nhiều cuốn sách nội dung nhảm nhí, ăn xổi… cũng xuất hiện. Giá trị của sách, dần được/bị giải thiêng. Vậy sách còn gì quý để mà chơi?

Câu trả lời là hiếm.

Sách được dân chơi sách để mắt tới thường là sách lạ, sách cũ, sách bìa đẹp, sách in khéo và quan trọng nhất là có nội dung chất lượng, càng hiếm giá càng cao.

Những cuốn sách cũ chỉ in vài trăm bản đã lưu lạc đâu hết, nay chỉ còn sót lại một hai bản được người ta đấu giá lên đến mấy chục triệu đồng. Những sách cổ chỉ còn độc bản được săn lùng không kém gì hàng hiệu.

Sách cũ có hạn, giá thì rất cao, vậy thì tự tạo ra những phiên bản sách quý hiếm khác mang tên ấn phẩm đặc biệt để thỏa mãn cơn khát chơi sách của giới trí thức. Dẫn đầu trào lưu này là Đông A, tiếp sau đó là Nhã Nam, NXB Kim Đồng… cũng bước vào.

Chơi sách kiểu gen Z

Trái với những bậc đàn anh chơi sách một cách rầm rộ, tạo hẳn một thị trường ngách sách thủ công sôi động, những người trẻ lại có cách chơi sách của riêng mình trong các hội nhóm dành cho những người yêu sách.

img_1905.jpeg
Đảo mộng mơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phiên bản đặc biệt chỉ với 106 cuốn được làm bìa thủ công với chất liệu cao cấp, có chữ ký tác giả phục vụ công tác lưu trữ và dành cho người sưu tầm, chơi sách. Giá niêm yết của ấn phẩm này là 1,9 triệu đồng, tuy nhiên không phải ai cũng mua được.

Ngoài những chia sẻ cởi mở về sách, đọc sách, giới thiệu những quyển sách hay, các bạn trẻ còn có một trào lưu rất đáng thú vị: xếp kệ sách.

Chơi sách đâu chỉ cần vung tiền là đủ, chơi sách còn là một thú hao tổn nhiều công sức và óc sáng tạo. Quan trọng hơn hết, chơi sách để hiểu sách, để thêm quý trọng và cho sách một đời sống xã hội thật sự, thay vì nằm bám bụi trên kệ qua ngày đoạn tháng.

Văn hóa đọc vẫn lưng chừng, giá trị của việc học ngày càng chông chênh. Có lẽ hiện tại là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của dân trí đất nước, giữa rất nhiều lựa chọn hấp dẫn khác ngoài sách. Thế nhưng, chừng nào còn thú chơi sách, chừng đó hy vọng về sự học vẫn còn sáng.

NGUYÊN TRANG