Khoảng trống du lịch về nguồn
Dịch vụ, sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng giao thông hạn chế, thiếu kết nối tuyến điểm… là những nhược điểm khiến du lịch về nguồn Quảng Nam đang là “khoảng trống” chưa thể khai thác hiệu quả thời gian qua.
Tài nguyên phong phú
Ông Nguyễn Văn Hồng chăm chú đọc từng dòng giới thiệu trên tấm pano trưng bày tại Nhà lao Hội An. Cạnh ông, vài du khách cũng đang tập trung nhìn những bức hình trắng đen nhòe cũ. Họ đều là người lớn tuổi.
Những tư liệu này được Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày tại Nhà lao Hội An, nhân kỷ niệm kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ và 57 năm giải phóng lao xá Hội An (14/7/1967 - 14/7/2024).
“Tôi nghĩ tất cả tư liệu, hình ảnh này rất quý bởi nó không chỉ cung cấp thông tin cho thế hệ hôm nay mà còn góp phần đưa di tích Nhà lao Hội An trở thành một “địa chỉ đỏ” hấp dẫn với người dân và du khách tham quan”, ông Hồng nhận xét.
Nhà lao Hội An là di tích lịch sử cách mạng hiếm hoi trên địa bàn Hội An có du khách ghé thăm. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thời gian qua địa phương cũng đã triển khai một số giải pháp phát triển du lịch về nguồn tại căn cứ cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu (thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh). Tuy nhiên, khâu tổ chức chưa bài bản (mới chỉ dừng ở trải nghiệm cảnh quan sông nước) dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.
“Sắp tới thành phố sẽ mở riêng tour tuyến du lịch cách mạng kết nối rừng dừa, căn cứ cách mạng Trà Quế (xã Cẩm Hà), đưa điểm Nhà lao Hội An vào ô vé… Nói chung ý tưởng đã có bây giờ chỉ còn giải quyết một số vấn đề về mặt bằng, đầu tư thôi”, ông Lanh thông tin thêm.
Thực tế, du lịch về nguồn không phải mới mẻ. Tại một số địa phương, loại hình du lịch này rất hút khách. Tuy nhiên ở Quảng Nam hiệu quả khai thác hầu như chưa tương xứng.
Không riêng Hội An, dễ dàng nhận thấy phần lớn di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh như Địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Mẹ VNAH (Tam Kỳ), Khu ủy khu V (Hiệp Đức), Căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My)… ngày thường vắng khách. Kể cả một số điểm như Khu ủy khu V hay Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế về giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên nhưng cũng chưa thể hấp dẫn khách tham quan du lịch.
Kén khách
Ông Lê Quốc Việt – Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam nhìn nhận, du lịch về nguồn hiện chưa được địa phương đầu tư xứng tầm, chưa được quảng bá thông tin rộng rãi, đặc biệt chưa được kết nối về hạ tầng giao thông.
“Loại hình du lịch này rất kén khách vì tập trung vào một bộ phận đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên, cựu chiến binh.. khách quốc tế càng ít hơn, ngoại trừ vài cựu binh nước ngoài muốn trở về thăm lại chiến trường xưa. Cạnh đó, đa số di tích lịch sử ở xa không thuận tiện giao thông, quá trình tổ chức, kết nối tour khó khăn nên doanh nghiệp không mặn mà. Chưa kể, thương hiệu điểm đến Hội An và Mỹ Sơn quá nổi bật khiến doanh nghiệp, du khách không quan tâm đúng mức đến du lịch về nguồn”, ông Việt phân tích.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, muốn thúc đẩy du lịch về nguồn tại Quảng Nam phát triển, địa phương nên chọn một số điểm tiêu biểu để hình thành tour riêng biệt hướng đến những đối tượng khách đặc thù.
Các công trình di tích lịch sử là nơi tưởng niệm, tri ân các bậc tiền bối và những người ngã xuống cho độc lập dân tộc. Nếu phát triển hoạt động du lịch tại đây sẽ góp phần phát huy giá trị điểm đến, giáo dục truyền thống cách mạng cho một bộ phận người dân, nhất là các thế hệ tuổi trẻ.
Ông Văn Bá Sơn – Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam luôn khuyến khích, kết nối du lịch về nguồn. Nhưng đây là loại hình du lịch khá kén khách nên cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, ngành du lịch và doanh nghiệp, kể cả một số sở ngành liên quan. Sự kết nối này sẽ xây dựng nên sản phẩm hoàn chỉnh hơn với hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ, đáp ứng nhu cầu khách.
“Đầu tư của nhà nước là có nhưng để xâu chuỗi những điểm này thành tour tuyến hoàn chỉnh thì chúng ta chưa thật sự làm được. Do đó, rất cần doanh nghiệp tham gia, tất nhiên phải có nguồn khách thì doanh nghiệp mới mạnh dạn được”, ông Sơn nói.
Những giải pháp đồng bộ được đặt ra, theo đó, việc đầu tiên chính là kết nối hạ tầng giao thông. Ông Sơn cho biết thêm, cần hoàn thiện dịch vụ thiết yếu cũng như chọn vài điểm nổi bật, kết nối giao thông thuận lợi để hình thành tour hoàn chỉnh. Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng chuỗi liên kết từ tham quan, mua sắm đến trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…
“Quảng Nam đang phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VH-TT&DL) xây dựng cơ chế thống nhất nhằm phát huy hiệu quả giá trị những điểm di tích văn hóa lịch sử trở thành điểm du lịch giáo dục”, ông Sơn thông tin thêm.