Chuyện đầu tuần

Nhu cầu an cư

LÊ VŨ 29/07/2024 08:21

“An cư” là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân gặp khó khăn về nhà ở, đây là nhu cầu bức thiết. Theo dõi các buổi trao tặng/bàn giao nhà, hầu hết người được tặng/hỗ trợ có cùng chia sẻ: Có chỗ ở ổn định, từ nay gia đình yên tâm cố gắng làm ăn, vươn lên trong cuộc sống…

Biết rằng, “an cư” thì mới “lạc nghiệp, tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính hoặc điều kiện làm nhà mới hay sửa chữa ngôi nhà đã xuống cấp để đảm bảo an cư. Vậy nên, hỗ trợ người khó khăn cải thiện nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và xã hội, luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Tại Quảng Nam, trong những năm qua, từ các chương trình, chính sách ưu đãi về nhà ở của Trung ương, của tỉnh và nguồn huy động xã hội hóa, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 67.700 nhà.

Tuy nhiên, theo khảo sát, toàn tỉnh hiện còn đến 10.456 gia đình người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát rất cần được hỗ trợ để có nơi an cư, ổn định cuộc sống (theo thời gian, con số cần hỗ trợ có thể tăng thêm).

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.456 nhà là gần 537 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn xã hội hóa hơn 114 tỷ đồng, còn lại từ vốn ngân sách các cấp.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Giải phóng quê hương và thống nhất đất nước (1975 - 2025), Quảng Nam đã đề ra quyết tâm huy động mọi nguồn lực thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025, toàn tỉnh không còn hộ dân nào phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát.

Một quyết tâm rất nhân văn nhưng để thực hiện trong điều kiện còn “khó khăn nhiều mặt” như hiện nay không phải dễ; nhưng cũng không phải là không làm được!

Hoàn thành mục tiêu “không còn hộ dân nào phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát”, trước hết phải xác định đây là một trong những chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính lâu dài, ổn định và cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao vai trò tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, người dân đều thấy việc tham gia đóng góp hỗ trợ xóa nhà tạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết vừa có “Thư kêu gọi ủng hộ thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025”, với phương châm vận động “người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều” và tinh thần “thêm một bàn tay chìa ra, sẽ có thêm một viên gạch làm vững chắc hơn nơi ở của hộ đồng bào nghèo”.

Công cuộc xóa toàn bộ nhà tạm bợ, dột nát mà Quảng Nam đang triển khai cũng là cụ thể hóa hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm do Thủ tướng Chính phủ phát động với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.

Từ thông điệp phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ và phương châm vận động của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, có thể thấy rõ hàm ý, để xóa một ngôi nhà tạm bợ, dột nát cần có sự chung tay góp sức của rất nhiều tấm lòng.

Giúp nhau an cư là nhiệm vụ không chỉ mang tính nhân đạo mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với cộng đồng. Khi mọi người có nơi ở ổn định, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn và có động lực để đóng góp tích cực cho xã hội. Điều này tạo ra một vòng tròn tốt đẹp, khi mà sự giúp đỡ lẫn nhau làm nên những giá trị bền vững cho cộng đồng.

LÊ VŨ