Quảng Nam thu thập ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin: Thêm niềm hy vọng...
Những ngày tháng Bảy, nối dài nghĩa cử tri ân, hoạt động thu thập ADN thân nhân các liệt sĩ chưa xác định thông tin được Công an Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan triển khai sẽ nối thêm niềm hy vọng...
Mong mỏi tuổi già
Bắt đầu tìm kiếm mộ cha mình từ năm 1982, ròng rã suốt hơn bốn mươi năm, ông Trần Đình Tê (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đã ngược xuôi không biết bao nhiêu chuyến đi để dò la tin tức, xác minh, kiếm tìm, trở về và... tiếp tục chờ đợi.
Cha ông, liệt sĩ Trần Xông từng chiến đấu tại đơn vị Tiểu đoàn 1 (R20 cũ) tỉnh Quảng Đà, hy sinh tháng 5/1965 tại xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, Duy Xuyên). Gia đình biết ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Thành, nhưng không thể xác định chính xác mộ phần.
Ròng rã ngược xuôi suốt nhiều năm để tìm mộ cha, đến tháng 12/2022, ông Tê tìm được hai nhân chứng, trú ở xã Duy Thành, xác nhận là người trực tiếp quy tập, đưa phần mộ liệt sĩ Trần Xông vào nghĩa trang liệt sĩ xã.
“Đó là hai người bà con trong tộc họ, họ nhớ chính xác vị trí đã cất bốc, đưa mộ cha tôi vào nghĩa trang liệt sĩ năm 1977. Nhưng thông tin của nhân chứng là chưa đủ để xác nhận danh tính cho phần mộ cha tôi.
Ông nằm lại cùng đồng đội tại nghĩa trang, mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi là xác định rõ mộ phần, gắn bia cho cha mình để tiện bề hương khói, và cũng để con cháu biết cha, ông mình ở đó” - ông Tê chia sẻ.
Biết thông tin về việc thu thập ADN của Bộ Công an để tạo lập kho dữ liệu ADN thân nhân liệt sĩ, ông Tê lặn lội đến để thực hiện việc thu thập sinh trắc học ADN. “Còn chút hy vọng nào, tôi cũng sẽ thực hiện, để sớm xác định được danh tính cho mộ phần của ba mình. Đó là nguyện vọng lớn nhất của tôi, trong những ngày tháng tuổi già” - ông Tê chia sẻ.
Cùng có mặt tại buổi thu thập dữ liệu sinh trắc ADN cho thân nhân liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1963, thường trú ở Hà Lam, Thăng Bình), em ruột của liệt sĩ Nguyễn Ninh không giấu được niềm xúc động.
“Đơn vị của anh trai tôi, liệt sĩ Nguyễn Ninh đóng quân ở thôn 6 Bình Dương, Thăng Bình rồi hy sinh ở đó. Mấy mươi năm qua, chúng tôi đã đi tìm rất nhiều lần, rất nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng vẫn chưa tìm được. Ba mẹ tôi cũng là liệt sĩ. Anh chị em chúng tôi còn sống thì tuổi đã cao, chỉ mong là nhờ vào công nghệ, nhờ dữ liệu ADN lần này có thể giúp cho gia đình sớm tìm được mộ anh trai tôi” - bà Lan nói.
“Trả danh tính - nối người thân”
Là đơn vị phối hợp với Bộ Công an để triển khai thu thập dữ liệu sinh trắc học ADN cho thân nhân liệt sĩ, bà Trần Thị Ngân - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP GeneStory cho hay, việc thu mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính của liệt sĩ.
“Chúng tôi sẽ cùng đồng hành, tin tưởng và hy vọng một ngày không xa, có thể xác định được danh tính, đưa các liệt sĩ về với người thân. Đây là việc làm ý nghĩa thể hiện tình cảm, trách nhiệm và nghĩa cử tri ân của Nhà nước, của cộng đồng với những cống hiến máu xương của những anh hùng liệt sĩ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc” - bà Trần Thị Ngân chia sẻ.
Có mặt tại buổi thu nhận sinh trắc học ADN cho thân nhân liệt sĩ, Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, khoảng 500 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hơn 200 nghìn hài cốt chưa được quy tập là nỗi day dứt lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sau gần 50 năm đất nước thống nhất.
Thời gian trôi qua, môi trường khắc nghiệt không ủng hộ cho quá trình tìm kiếm, xác minh, trong khi nhiều gia đình liệt sĩ thân nhân đã không còn.
“Công cuộc trả danh tính - nối người thân phải được triển khai gấp rút, bởi đây là việc làm hết sức nhân văn, thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm và ân tình với thế hệ đi trước.
Với việc xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước, trong đó dữ liệu thông tin ADN, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ về chủ trương phân tích ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN, đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ.
Với kho dữ liệu phổ quát này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc tìm kiếm, xác minh thân nhân, thông tin liệt sĩ dễ dàng, hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để gia đình các anh hùng liệt sĩ có thể tìm thấy được người thân sau hàng chục năm tìm kiếm và chờ đợi” - Đại tá Hồ Song Ân chia sẻ.
Theo kế hoạch của Bộ Công an, việc thực hiện thu mẫu, lưu mẫu ADN thân nhân sẽ được thực hiện thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ ngày 15/7 đến ngày 31/12/2024.
Giai đoạn 2 thực hiện từ ngày 1/1/2025 đến 31/12/2025.
Giai đoạn 3 thực hiện từ ngày 1/1/2026 đến 31/12/2026.
Từ ngày 20/7, các địa phương sẽ động viên, tuyên truyền đến các cá nhân là thân nhân các liệt sĩ chưa xác định danh tính tham gia.
Kết quả phân tích được mã hóa thông tin và lưu trữ theo từng loại đảm bảo bảo mật, an ninh, an toàn.
Sau khi thu thập, sẽ được sử dụng để đối soát, xác định và công bố danh sách những trường hợp hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính.